Ngành mía đường Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi lượng đường tồn kho lớn và đồng thời phải đối mặt với đường lậu ồ ạt xâm nhập vào thị trường.
Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, bên cạnh lượng tồn kho lớn của niên vụ 2016/2017, thì bước vào niên vụ mới, tính đến ngày 15/4/2018, lượng đường tồn kho đã lên tới 680.273 tấn. Con số này đang tiếp tục tăng lên khiến nhiều nhà máy rơi vào tình cảnh lao đao, việc trả tiền mía cho nông dân bị chậm lại.
Cùng với đó, giá đường liên tục sụt giảm ở thị trường trong nước và thế giới khiến việc tiêu thụ đường khó khăn bội phần. Đến thời điểm này, giá đường bán tại các nhà máy đã bán gần ngang giá đường nhập lậu, một số nhà máy đã bán thấp hơn giá thành sản xuất để giảm bớt lượng đường tồn kho (11.400-12.000 đồng/kg).
Ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn vì buôn lậu và lượng đường tồn kho lớn. (Ảnh minh họa: KT)
Lý giải về nguyên nhân khiến lượng đường tồn kho cao, ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại Hà Nội cho biết, thị trường đường thế giới đang gặp nhiều khó khăn, giá xuống thấp. Lượng đường thế giới tăng cao kỷ lục với 178 triệu tấn, hơn năm ngoái 10 triệu tấn, dư thừa trên 5 triệu tấn so với nhu cầu, khiến giá đường giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.
Ngoài những nguyên nhân nêu trên thì ngành mía đường Việt Nam còn vô số khó khăn, bất cập khác như: diện tích nhỏ lẻ, manh mún, cho nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến năng suất, chất lượng kém. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy đường có công suất ép nhỏ, trang thiết bị lạc hậu làm giá thành sản phẩm tăng lên, gây khó khăn trong việc cạnh tranh với đường của một số nước có thế mạnh hơn.
Trong khi đường trong nước ế ẩm, nhiều nhà máy sản xuất đường rơi vào cảnh “sống dở chết dở”, ngành mía đường còn thêm trầy trật vì đường lậu, đường giả. Ông Hà Hữu Phái cho biết, ngành mía đường Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn nạn đường lậu. Năm nay, lượng đường sản xuất của Thái Lan khoảng 12 triệu tấn, tăng hơn 2 triệu tấn so với vụ trước. Do lượng đường Thái Lan lớn nên đã xuất lậu sang các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar…
Ngoài đường lậu, thời gian qua, một lượng lớn đường lỏng được nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện, có 3 quốc gia đang xuất khẩu tới 80% lượng đường lỏng vào Việt Nam với thuế suất 0% là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Thông thường, đường lỏng Trung Quốc nhập về Việt Nam phải chịu mức thuế 13%, thế nhưng, để “lách” khoản thuế này, đường lỏng Trung Quốc được tuồn qua các nước ASEAN, sau đó mới xuất vào Việt Nam để được miễn thuế.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2015 có 67.384 tấn đường lỏng vào Việt Nam; năm 2016 đã tăng lên 70.090 tấn; đến năm 2017 tăng vọt lên tới 89.434 tấn… Điều đáng nói, loại đường này được bán với mức giá thấp, không chỉ ảnh hưởng đến ngành mía đường trong nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Phái lo rằng, trong bối cảnh đó, Việt Nam lại vẫn ưu ái thuế nhập khẩu đường lỏng, gây thêm khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Để giảm bớt khó khăn cho ngành đường, Hiệp hội mía đường Việt Nam kiến nghị cần đưa ra các giải pháp để hạn chế nhập khẩu mặt hàng đường lỏng này. Đồng thời, kiến nghị Cục Quản lý Thị trường, Tổ công tác đặc biệt, Ban chỉ đạo 334, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thuộc Ban chỉ đạo 389 Quốc gia triển khai có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại mặt hàng đường.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó, sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu. Đồng thời, nâng cao năng lực chế biến, đổi mới cơ cấu sản phẩm đường, đa dạng hóa các sản phẩm sau đường, cạnh đường, tận dụng tối đa phụ phẩm sau chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát những nhà máy, những vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Đảm bảo sản xuất mía ổn định 300.000 ha và không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu./.
Chung Thủy/VOV.VN
(Tùng Linh APC - sưu tầm)