Nên giảm diện tích lúa vụ 3

Nhiều chuyên gia về nông nghiệp cho rằng đã đến lúc phải giảm diện tích trồng lúa vụ 3 để chuyển đổi sang mô hình canh tác khác hiệu quả hơn.

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã hiện hữu ở ĐBSCL trong thời gian gần đây. Tác động kép này đang làm tổn hại mạnh đến sản xuất nông nghiệp ở vùng đất thấp như ĐBSCL. Trong đó, lúa vụ 3 được xem là thiệt hại nặng nhất.

Nhiều rủi ro

Lúa vụ 3 canh tác trong điều kiện thời tiết ít thuận lợi nên nhiều rủi ro. Nếu năm nào may mắn, nhà nông được tăng thêm một ít thu nhập từ vụ lúa này, ngược lại thì trắng tay. Ở khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, vụ 3 là lúa thu đông, trong cơ cấu 3 vụ đông xuân - hè thu - thu đông. Theo đó, vụ thu đông sản xuất trong các tháng mùa mưa (từ tháng 7 đến tháng 10 dương lịch). Giai đoạn này, thời tiết bất lợi từ lúc xuống giống đến khi thu hoạch do nước lũ đe dọa, lúa dễ bị đổ ngã gây thất thoát nhiều khi thu hoạch, năng suất và chất lượng lúa thường rất thấp nên giá bán không cao.

Mới đây, vào cuối tháng 7 đến giữa tháng 8 vừa qua, nông dân trồng lúa ở vùng Tứ giác Long Xuyên đã đứng ngồi không yên do lúa vụ 3 đang trong giai đoạn trổ bông nhưng gặp mưa, lũ lên nhanh gây ngập úng cục bộ. Tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, khoảng 5.000 ha lúa vụ 3 đã bị ngập úng. Bà Phạm Thị Vẹn (ngụ xã Mỹ Thái, huyện Hòn Đất) cho biết do ảnh hưởng của mưa bão và nước lũ đổ về khiến cho hơn 30 công lúa của bà chìm trong nước, trong đó 20 công trồng giống Nhật không kịp thu hoạch. "13 công lúa, tương đương 1,3 ha nhưng chỉ thu được 5 tấn. Sau khi trừ hết chi phí, gia đình tôi lỗ gần 300.000 đồng/công lúa" - bà Vẹn nói. Tuy nhiên, theo bà, dù biết làm lúa vụ 3 khó tránh khỏi rủi ro nhưng nếu không làm thì nông dân không biết phải làm gì.

Sản xuất lúa vụ 3 thường phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt Ảnh: Ngọc Trinh

Trong khi đó, đối với các tỉnh ven biển như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu..., vụ 3 lại là vụ xuân hè trong cơ cấu 3 vụ đông xuân sớm - xuân hè - hè thu. Vụ này, dù thời tiết thuận lợi do trong mùa nắng (từ tháng 1 đến tháng 4 dương lịch) nhưng thủy văn thì bất lợi vì hạn hán, xâm nhập mặn. Liên tiếp những năm gần đây, do biến đổi khí hậu đã khiến hạn, mặn diễn ra gay gắt nên lúa vụ 3 ở những địa phương này thiệt hại nặng nề.

PGS-TS Nguyễn Bảo Vệ (Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng Trường ĐH Cần Thơ) đưa ra 9 yếu tố có ảnh hưởng đến tính bền vững của sản xuất lúa 3 vụ ở ĐBSCL, trong đó 7 yếu tố thuộc về nông học, như: Sâu bệnh nhiều hơn là do canh tác lúa liên tục đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển bởi thức ăn lúc nào cũng có; đất không còn nhận được phù sa vì xây đê bao không cho nước nổi hay triều cường chảy vào đồng ruộng; ô nhiễm môi trường nặng hơn; gây ngộ độc hữu cơ cho lúa; đất mau suy thoái vì nông dân không có thời gian để cày ải phơi đất…; hiệu quả kinh tế thấp do năng suất và chất lượng thấp; năng suất lúa giảm theo thời gian.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập sinh thái ĐBSCL, cho rằng thâm canh 3 vụ liên tục trong đê bao khép kín làm cạn kiệt đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực về sau. Bởi lẽ, đê bao khép kín làm gia tăng ngập lụt nơi khác vào mùa lũ, gia tăng hạn - mặn ven biển vào mùa khô. Nói cách khác, canh tác 3 vụ lúa tính đúng, tính đủ chi phí thì không giúp nông dân thoát nghèo. "Canh tác 3 vụ sẽ sử dụng nhiều phân bón và nông dược gây ô nhiễm nguồn nước mặt, tăng sử dụng nước ngầm, gây sụt lún đất nhanh hơn. Theo tính toán của chúng tôi, canh tác lúa vụ 3 khiến cho xã hội thiệt hại khoảng 47,8 triệu đồng/ha" - ông Thiện phân tích.

Mạnh dạn chuyển đổi

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, nhìn nhận nhiều năm qua, các báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay tỉnh Đồng Tháp thường quan tâm đến các số liệu về năng suất, sản lượng và lượng gạo xuất khẩu. Trong khi đó, yếu tố đầu vào hay chi phí sản xuất hầu như không được đề cập. Nông dân cũng quên tính đến yếu tố quan trọng này trong hoạt động của mình nên gia tăng sản xuất 3 vụ/năm, có nơi 7 vụ/2 năm.

Tại Hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu tổ chức ở Cần Thơ vào cuối tháng 9vừa qua, ông Lê Minh Hoan thừa nhận tỉnh này đang triển khai tái cơ cấu nông nghiệp theo định hướng chuyển đổi tư duy độc canh và tăng sản lượng lúa gạo bằng giảm dần diện tích lúa vụ 3, luân canh các loại cây trồng, thủy sản khác để tận dụng nước lũ… Từ định hướng này, tỉnh đang đánh giá lại hiệu quả hoạt động của hệ thống hợp tác xã, chuyển đổi các hợp tác xã cũ và thành lập các hợp tác xã mới theo đúng mục tiêu và tinh thần Luật hợp tác xã năm 2012. Hợp tác xã không chỉ hướng đến lợi nhuận kinh doanh mà còn đem lại lợi ích cho thành viên nhờ giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, liên kết với doanh nghiệp thông qua "Cánh đồng liên kết", cải tiến quy trình canh tác, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, trong đó có lúa.

Trong khi đó, UBND tỉnh Bến Tre cũng vừa ban hành văn bản nhất trí với chủ trương chung là nên sản xuất 2 vụ lúa/năm (nếu có thể thì nên luân canh 2 lúa + 1 màu) để đất có thời gian ổn định, cắt vòng đời của sâu bệnh, phát triển theo hướng ổn định, bền vững và hiệu quả.

Ngày 3-10 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Kiên Giang có thông báo về kết luận của chủ tịch UBND tỉnh này tại kỳ họp UBND tỉnh thường kỳ quý III/2017. Theo đó, về sản xuất nông nghiệp, trước tình hình thời tiết bất thường, diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với một số cơ quan có liên quan phân tích, đánh giá hiệu quả trong việc sản xuất lúa vụ 3. Từ đó, khuyến cáo việc có nên tiếp tục sản xuất lúa vụ 3 hay chuyển sang mô hình sản xuất khác hiệu quả hơn, tránh tình trạng khai thác đất quá mức, định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị là chính, không chạy theo sản lượng.

Theo GS Võ Tòng Xuân, lúa gạo nước ta đang được sản xuất thặng dư trên 10 triệu tấn/năm. Theo quy luật cung cầu, cung tăng nhiều mà cầu không tăng tương xứng thì giá phải sụt giảm triền miên. Hơn nữa, trồng lúa cần nhiều nước ngọt nhưng giá gạo lại quá thấp, dân trồng lúa không hưởng lợi bao nhiêu. Do vậy, dứt khoát phải giảm diện tích lúa vụ 3. "Hạn chế vụ 3 để lấy nước lũ được phù sa, cá tôm… Chuyển các diện tích lúa bấp bênh, vốn đầu tư cao ở vùng phèn nặng, nhiễm mặn sang nuôi trồng cây con khác có giá trị cao, như lên liếp trồng cây ăn trái thích hợp, nuôi cá đồng, nuôi tôm…" - GS Võ Tòng Xuân đề xuất.

Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, Thái Lan đã chuyển hàng trăm ngàn ha lúa sang trồng mía từ 3 năm nay và đang tiếp tục chuyển đổi. Do vậy, chúng ta nên mạnh dạn chuyển đổi lúa vụ 3. 

Những người làm nên "cường quốc" vẫn quá khó khăn!
Nói về việc các địa phương chưa mạnh dạn giảm diện tích lúa vụ 3 vì còn chạy theo sản lượng xuất khẩu, ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhận định danh xưng "vựa lúa quốc gia" dành cho ĐBSCL đã có từ lâu nhưng cần nhận thức lại. Đã đến lúc không cần tự hào về mỹ từ "vựa lúa". Nhìn rộng hơn, người Việt cũng không cần thiết phải tự hào là cường quốc thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, cá tra… "Tự hào làm chi khi những người làm ra rất nhiều nông sản cung ứng cho toàn cầu mà vẫn còn nhiều khó khăn" - ông Hiệp bày tỏ.

Công Tuấn (Báo NLĐ)

(Tùng Linh APC - sưu tầm)