NGHỆ AN - Thiết nghĩ, đối với những diện tích ruộng trũng, nuôi lúa chét (lúa tái sinh) có thể là một giải pháp khả thi, giữa lúc giá cả vật tư nông nghiệp leo thang...
Những năm gần đây, nông dân các vùng lân cận quê tôi (Nghệ An) đã bỏ dần vụ hè thu vì quá nhiều bấp bênh, như giá phân bón cao, chuột bọ, sâu bệnh hoành hành, một nguyên nhân nữa người miền Trung ai cũng "nằm lòng", ấy là mưa bão.
Vụ hè thu năm nay, lúa chét nhiều nơi ở Nghệ An rất được mùa. Ảnh: Nguyễn Hòe.
Thế mà dân làng tôi, làm hết, làm tất, làm bất chấp, “không cho đất nghỉ không ngừng tay ta”, “tấc đất tấc vàng”. Trời nắng cong người đi chống hạn cứu lúa. Trời gió bão, mặc cả với trời một nắm lúa đương xanh. Có người bảo dân làng mình sao mà chịu thương, chịu khó? Có người bảo hay là dân không biết tính toán? Này nhé, mỗi vụ như thế, đến 5 lần 7 lượt xách máy bơm ra đồng thì lấy tiền xăng ấy, tiền mua phân tro các kiểu ấy, tiền thuê máy cày, máy gặt ấy... mua lúa mà ăn, có phải nhàn cái thân hơn không?
Đành vậy, nhưng tôi thừa hiểu tính nết của những con người “một lòng đi về với đất này”, có ruộng mà không làm họ buồn chân, buồn tay lắm. Một phần họ sợ dư luận, sợ chỉ trích. Như ngày xưa hễ vào nhà ai, người ta ngó xem ngoài chuồng có nuôi lợn hay không để đánh giá đàn bà trong nhà ấy lười nhác hay siêng. Đáng nói, vẻ như nỗi sợ vô hình này có khi còn lớn hơn, lấn át cả những cái hữu hình ngay trước mặt.
Những hạt lúa chét vàng óng, được thương lái rất săn đón. Ảnh: Nguyễn Hòe.
“Nông dân mà không làm ruộng thì làm cái gì!”, là câu nói cửa miệng của bố tôi. Tự bao đời đã như thế rồi, đều đặn năm 2 vụ lúa, cứ làm hùng hục mà không cần biết là thắng hay thua. Trăm sự nhờ trời, trời thương thì công bỏ ra gọi là có lãi, còn không thì... mất trắng như vụ hè thu năm nay, còn lỗ cả tiền phân tro, máy cày, máy gặt. Mặt người buồn so như nắm lúa thâm đen, xẹp lép vì sâu bệnh vừa hắt ra sân phơi.
Thiết nghĩ, với những diện tích đất đồng cao, thủy lợi khó khăn thì có thể lựa chọn, bố trí loại cây trồng chịu hạn tốt hơn. Đối với những diện tích đất ruộng trũng, thì nuôi lúa chét (còn gọi là lúa tái sinh) có thể là một giải pháp khả thi, giữa lúc giá cả vật tư nông nghiệp leo thang.
Theo đó, ngay sau thu hoạch lúa xuân, bà con cắm biển bảo vệ, không cho chăn thả trâu, bò, vịt. Cùng với đó, HTX điều tiết nước hợp lý trên các cánh đồng để lúa chét phát triển. Làm lúa chét đầu tư chăm sóc nhẹ, chỉ tốn ít phân bón bồi dưỡng cho cây phát triển nhanh. Nếu bà con không đầu tư để nhắm tới sản lượng thì có thể tận dụng lúa trời (không đầu tư chăm sóc) chăn thả vỗ béo cho trâu bò, hoặc nuôi vịt chạy đồng, đắp bờ giữ nước nuôi cá....
Lúa chét không mất công chăm sóc, đầu tư nhưng vẫn cho năng suất kha khá. Ảnh: Nguyễn Hòe.
Vụ mùa năm nay, nhiều nơi ở Quỳnh Lưu, Diễn Châu (Nghệ An), tôi đã bắt gặp những nụ cười mừng vui của bà con nơi đây bởi chưa năm nào lúa chét bội mùa như năm nay. Hạt lúa nhỏ hơn vụ chính nhưng chắc mẩy, vàng ươm dưới nắng thu, năng suất khoảng 1,2 - 1,5 tạ/sào. Mặc dù các nhà chuyên môn không khuyến khích nông dân để chét, nhưng những hạt thóc vàng ấy vẫn được ví như "lộc trời" ban tặng cho nông dân.
So với lúa cấy thông thường, sản xuất lúa tái sinh có điểm ưu là chi phí đầu tư thấp, ít ngày công chăm sóc, thời gian thu hoạch ngắn, chất lượng gạo thơm ngon, được nhiều mối thu mua săn đón.
NGUYỄN HÒE