Sau khi xuất ngũ về quê làm nông một thời gian, năm 1987, vợ chồng ông Lương Văn Ba đến lập nghiệp tại thôn 6, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) với mong ước có cuộc sống ổn định, bớt nhọc nhằn.
Những năm đầu tiên lập nghiệp tại vùng đất mới, vợ chồng ông rất vất vả, làm lụng quanh năm nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo bởi điều kiện thổ nhưỡng không tốt, đất đai khô cằn dẫn đến năng suất cây trồng kém. Năm 1988, ông Ba xem tivi giới thiệu về cây điều, nhận thấy tiềm năng lớn của loại cây này nên ông mạnh dạn đầu tư, vay thêm 5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua cây giống và phân bón trồng điều.
Để vườn điều phát triển tốt và cho năng suất cao, ông Ba tham gia nhiều buổi tập huấn về quy trình chăm sóc cây trồng do Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức. Nhờ học hỏi, nghiên cứu, ông Ba mới biết rằng quan niệm điều là loại cây không cần kỳ công chăm sóc, không nhất thiết phải bón phân là sai, bởi cũng như nhiều loại cây trồng khác, cây điều rất cần chất dinh dưỡng để phục hồi và phát triển sau mỗi mùa thu hoạch.
Ông Lương Văn Ba thu dọn cành điều sau vụ thu hoạch.
Vì vậy, sau khi thu hoạch ngoài tạo tán, tỉa cành, làm cỏ và phun thuốc phòng bệnh, ông Ba còn chú trọng bón phân cho cây. Để cây hấp thụ tốt chất dinh dưỡng, ông chia làm hai lần bón: Vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Ông còn thường xuyên thăm vườn để phát hiện và phòng trừ bệnh kịp thời cho cây điều.
Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cây của gia đình ông luôn cho năng suất cao từ 2,8 - 3 tấn/ha/năm. Trung bình mỗi năm cây điều mang lại cho gia đình ông nguồn thu nhập trên 300 triệu đồng, giải quyết việc làm thời vụ cho nhiều lao động ở địa phương với thu nhập từ 150.000 – 180.000 đồng/ngày/người. Với hiệu quả trong phát triển kinh tế, gia đình ông được UBND huyện công nhận danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi 5 năm liên tục.
Không bằng lòng với những gì đã có, sẵn vốn trong tay ông Ba lại tiếp tục đầu tư, mở rộng diện tích và đến nay gia đình ông đã có trên 10 ha điều. Trong vụ thu hoạch đầu năm 2018 vừa qua, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu trên 1 tỷ đồng từ tiền bán hạt điều.
Ông Ba chia sẻ: “Trước đây chỉ thu được vài tạ/ha, giờ biết kỹ thuật rồi, năm nào cũng đạt trên dưới 3 tấn/ha. Yếu tố chính tác động tới cây điều là thời tiết, sau đó mới tới sâu bệnh. Cây điều sợ nhất sương muối, chủ yếu vào dịp cuối năm, tức tháng 11 - 12 dương lịch. Đây cũng là thời điểm cây ra bông, nếu gặp sương muối rất dễ rụng trái. Vì vậy để giải quyết vấn đề này, cần rải phân sớm, hoặc để cây cho trái trước, hoặc để cây cho ra trái muộn nhằm hạn chế thiệt hại do thời tiết. Bên cạnh đó, để trị muỗi, bọ xít hút chất dinh dưỡng ở lá điều, cần đốt cỏ hoặc lá cây khô để khói bốc nghi ngút, sâu hại sẽ không dám bám vào lá”.
Ngoài trồng điều, ông Ba còn nuôi thêm 37 con bò, mỗi năm mang lại cho gia đình ông nguồn thu trên 50 triệu đồng từ tiền bán bê con và phân chuồng.
Không những lao động sản xuất giỏi, ông Ba còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Với vai trò là Trưởng thôn 6 (xã Cư Kbang), ông tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chăm lo phát triển kinh kế, chuyển đổi mô hình đa cây đa con, giữ gìn ổn định an ninh trật tự tại địa phương…
Theo Trang Vũ (Báo Đắk Lắk)