Thủ phủ trồng nhãn Hưng Yên với đặc sản nhãn lồng đang vào mùa thu hoạch. Tuy nhiên năm nay, các nhà vườn rơi vào cảnh "ngậm trái đắng" khi nhãn mất mùa mà cũng không được giá.
Sản lượng thấp nhất nhiều năm
"Chưa khi nào nhãn mất mùa nặng như năm nay", ông Nguyễn Đức Hùng (trú thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) đã mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy khi nói về khu vườn hơn 1,5 ha trồng nhãn của gia đình.
Với vườn nhãn 5 ha, song sản lượng chỉ đạt 20 tấn, gia đình ông Nguyễn Văn Thế lỗ khoảng 200 triệu đồng trong vụ nhãn năm nay
Theo ông Hùng, gia đình ông đã đầu tư gần 100 triệu đồng nhưng sản lượng thu hoạch tối đa chỉ khoảng 3 tấn. Nhãn "hàng quà" loại 1, gia đình ông đang bán với giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, loại 2 đưa vào xoáy long nhãn giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg. "Nếu bán tươi như mọi năm thì chắc chắn lỗ nặng, nên tôi đưa nhãn loại 2 vào chế biến làm long nhãn bán giá 150.000 - 160.000 đồng/kg, hy vọng sẽ hòa được vốn", ông Hùng nói.
Ông Đỗ Kỳ Nam, Giám đốc HTX sản xuất và tiêu thụ nhãn lồng Phương Thượng (xã Phương Thượng, TP.Hưng Yên), cũng ngao ngán chia sẻ: "Quanh năm trông chờ vụ nhãn nhưng đến mùa lại không có hàng bán. Các nhà vườn đều quen thu hàng trăm tấn mỗi năm mà giờ chỉ còn vài tấn, chục tấn thì coi như thất bát, trắng tay".
Theo ông Nam, nhiều nhà vườn ở xã Phương Thượng gần như mất trắng, bởi thời điểm nhãn mới đậu quả thì gặp mưa nên rụng rất nhiều, các nhà vườn tìm mọi cách cứu vãn nhưng không giữ được sản lượng. Vườn nào còn nhiều cũng chỉ bằng 20% so với năm ngoái.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Chủ tịch UBND xã Hồng Nam, cho biết Hồng Nam là thủ phủ trồng nhãn với gần 200 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng nhãn hàng năm trong khoảng 3.500 - 4.000 tấn. Nhưng năm nay, ở thời kỳ quả nhãn lớn bằng hạt đỗ thì trời có mưa axit trong nhiều ngày, gần như toàn bộ diện tích trồng nhãn ở TP.Hưng Yên đều mất mùa. Sản lượng nhãn toàn xã năm nay ước đạt 600 - 650 tấn khiến các nhà vườn đều thất thu, thua lỗ nặng.
Không chỉ vùng trồng nhãn ở TP.Hưng Yên, các nhà vườn trồng nhãn tại H.Khoái Châu (Hưng Yên) cũng hứng chịu nhiều thiệt hại do thời tiết bất lợi khiến nhãn non rụng nhiều. Theo thống kê từ các HTX, sản lượng nhãn năm nay mất đến 70 - 80% so với năm 2022.
Có diện tích 5 ha trồng nhãn, ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc HTX Miền Thiết (H.Khoái Châu), dự báo sản lượng vụ năm nay cao nhất là 20 tấn nhãn, chỉ bằng 30% so với năm ngoái.
Mất mùa, mất cả giá
Ngược với quy luật "mất mùa được giá", vụ nhãn ở Hưng Yên năm nay rơi vào tình cảnh mất mùa, mất cả giá.
Theo ông Đặng Văn Xây, Giám đốc HTX Hồng Nam (xã Hồng Nam), riêng tại xã Hồng Nam, sản lượng mất 80% nhưng không dễ bán được giá cao. Nhãn ngon nhất, đạt tiêu chuẩn VietGAP giá bán từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, trong khi đó nhãn của Sơn La, Bắc Giang đổ về rất nhiều, giá bán phổ thông chỉ 10.000 - 15.000 đồng/kg. "Giá bán chênh lệch quá lớn và hiện nay khắp nơi đều trồng nhãn, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn nên thực tế nhãn lồng Hưng Yên đang bị cạnh tranh gay gắt", ông Xây nói.
Về câu chuyện kinh tế, ông Nguyễn Văn Thế nhẩm tính, năm nay mức đầu tư khoảng 300 triệu đồng tiền phân bón, thuốc, công chăm sóc… Với giá bán hiện nay, hàng đẹp chỉ 20.000 - 25.000 đồng/kg, còn lại bán vào các lò làm long nhãn, chắc chắn gia đình ông sẽ lỗ khoảng 200 triệu đồng.
Cũng theo ông Thế, nhãn mất mùa, song giá không cao hơn năm 2022, trong khi các nhà vườn hiện nay đang phải chịu chi phí công thu hoạch, sơ chế nhãn ở mức rất cao. "Công lao động thợ bẻ nhãn năm nay tăng lên 500.000 đồng/ngày/người; còn công nhặt, sơ chế, bó nhãn là 300.000 đồng/ngày/người. Chi phí thuê nhân công thu hoạch cao nên nếu không có lao động nhàn rỗi trong nhà để phụ giúp thì các nhà vườn càng lỗ nặng", ông Thế nói.
Chủ tịch UBND xã Hồng Nam Nguyễn Ngọc Hưng chia sẻ: những năm trước, nhãn của xã liên tục tham gia các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại của tỉnh, của huyện, thậm chí xã cũng tổ chức hội nghị riêng để kết nối tiêu thụ, nhưng năm nay nhãn bị mất mùa, không đủ sản lượng để tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại. Sản lượng nhãn còn ở địa phương hiện nay chỉ vừa đủ bán cho khách du lịch đến tham quan.
Trong bối cảnh nhãn mất mùa, trong tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Hưng Yên vẫn nỗ lực xúc tiến thương mại xuất khẩu nhãn lồng sang thị trường Nhật Bản. Hiện nay, Hưng Yên chỉ có 2 mã số vùng trồng nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản với tổng diện tích 27,2 ha, đều tập trung tại TP.Hưng Yên, sản lượng ước đạt 350 tấn/năm.
Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, nhãn lồng Hưng Yên hiện nay đã xuất khẩu sang Mỹ, Úc và Nhật Bản sẽ là thị trường "khó tính" tiếp theo địa phương này đặt mục tiêu chinh phục. Nếu xuất khẩu thành công vào Nhật Bản, nhãn lồng Hưng Yên sẽ khẳng định được uy tín, chất lượng để mở rộng xuất khẩu đến nhiều thị trường khác.
Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT), khi trao đổi với Thanh Niên đã xác nhận có 1 doanh nghiệp đăng ký thử nghiệm xuất khẩu nhãn lồng Hưng Yên sang Nhật Bản. "Cục Bảo vệ thực vật nhận được thông báo, dự kiến ngày 21.8, chuyên gia của Nhật Bản sẽ có mặt tại Hưng Yên, cùng doanh nghiệp đánh giá điều kiện để xuất khẩu thử nghiệm nhãn lồng Hưng Yên sang Nhật Bản ngay trong mùa vụ năm nay", ông Hiếu nói.