Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung do hạn chế về tài chính và kỹ thuật nên gần như không tự xây dựng về MRL được cho các nông sản xuất khẩu chủ lực (như gạo, thanh long, trà...), hầu như phải phụ thuộc vào các nước nhập khẩu.
Tiêu xuất khẩu trồng tại Phú Quốc. Ảnh: Cao Thăng
Ở chuyến đi xúc tiến thương mại mới đây, trong 12 doanh nghiệp xuất khẩu nông sản tham gia, chỉ có 2 doanh nghiệp hiểu biết về MRL - hàm lượng tối đa mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm do Codex (CXL) hoặc cơ quan quản lý tại quốc gia sở tại quy định, trong khi đây lại là yếu tố quan trọng nếu muốn xuất khẩu hàng hóa vào quốc gia nào đó.
Bị động về MRL
Đó là phát biểu của Tiến sĩ Trần Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm định và khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật phía Nam (thuộc Cục bảo vệ thực vật), tại hội thảo nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản do Bộ NN-PTNT và Tổ chức CropLife tổ chức ngày 2-11 tại TPHCM.
Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục bảo vệ thực vật, xuất khẩu nông sản đã đóng góp quan trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong 5 năm qua, xuất khẩu hàng nông sản đạt mức tăng trung bình 2,4%/năm. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu nông sản so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước các năm qua bị sụt giảm, từ 13% năm 2012 còn gần 8,6% năm 2016.
Ngoài yếu tố các mặt hàng công nghiệp có sự phát triển, một trong các nguyên nhân gây sụt giảm là hàng nông sản Việt Nam không đạt các tiêu chuẩn về MRL do các nước nhập khẩu đưa ra. Đây không phải là tiêu chuẩn về ngưỡng độc tính mà là tiêu chuẩn thương mại thực phẩm quốc tế được thiết lập trên cơ sở GAP (thực hành nông nghiệp tốt).
Trong khi các rào cản thuế quan đã và đang được giảm đáng kể theo lộ trình cắt giảm thuế của các nước nhằm thực hiện tự do hóa thương mại giữa các nước từ các thỏa thuận song phương, khu vực hoặc đa phương, thì các rào cản phi thuế quan, đặc biệt là các rào cản mang tính kỹ thuật vẫn tồn tại, thậm chí phát triển dưới nhiều hình thức phức tạp. Trong đó, nổi lên các rào cản về kỹ thuật đối với hàng nông sản, nhóm hàng xuất khẩu chủ lực Việt Nam. Nhiều nước lại có xu hướng lạm dụng các biện pháp kỹ thuật này nhằm mục tiêu hạn chế hàng hóa nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước.
Tiến sĩ Trần Thanh Tùng cho biết thêm, có nhiều loại đặc sản Việt Nam do các nước chưa xây dựng MRL nên quy định mức mặc định rất thấp, gần như không thể vượt qua. Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung do hạn chế về tài chính và kỹ thuật nên gần như không tự xây dựng về MRL được cho các nông sản xuất khẩu chủ lực (như gạo, thanh long, trà...), hầu như phải phụ thuộc vào các nước nhập khẩu.
Khó khăn hơn, mỗi nước, mỗi khu vực lại có quy định riêng về MRL và các quy định này thay đổi liên tục theo xu hướng ngày càng siết chặt mức dư lượng hóa chất. Thậm chí như đối với mật ong xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu về sản lượng do đáp ứng các quy định về quy chuẩn kỹ thuật mà Mỹ đưa ra, nhưng cũng loại mật ong này nếu xuất khẩu vào thị trường châu Âu thì lại gặp khó khăn.
Biết người, biết ta...
Ông Vasant L. Patil, Giám đốc CropLife châu Á tại Singapore, cho rằng MRL là thách thức ngày càng lớn khi thực thi thương mại xuất khẩu, vì phải tuân theo các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu (thường xuyên thay đổi). Nếu vi phạm MRL, sản phẩm sẽ bị từ chối, bị phạt, bị tiêu hủy. Vì vậy, các nước xuất khẩu phải tham gia những diễn đàn ra quyết định quốc tế - thường là ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu - để có thể can thiệp đúng thời điểm, đóng góp với các bên liên quan. Và một điều không kém phần quan trọng, đó là vai trò ngoại giao trong việc xem xét, thực hiện và giám sát.
MRL đôi khi không đơn thuần là thương mại mà còn là chính trị. Nghệ thuật ngoại giao có vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại. Nhưng trước hết là vai trò của ngành khoa học cây trồng, tạo ra thuốc bảo vệ thực vật an toàn hơn, công nghệ tốt hơn, đẩy mạnh GAP và sử dụng đúng cách. Với chính phủ, nâng cao năng lực quản lý quốc gia trong việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu; giáo dục, nâng cao nhận thức và thực hiện các hoạt động khuyến nông cho người nông dân; đẩy mạnh hệ thống canh tác luân canh, kết hợp quản lý dịch hại…
Theo Tiến sĩ Trần Thanh Tùng, các yếu tố dẫn đến tồn dư lượng trong nông sản là do áp lực sâu bệnh của cây trồng, thời tiết, nhưng nhiều nhất là do sử dụng thuốc không hợp lý vì phun thuốc quá liều lượng, quá nhiều lần và khoảng cách quá gần nhau, lại không đảm bảo thời gian cách ly. Nhiều doanh nghiệp và bà con nông dân vẫn chưa hiểu đúng về vấn đề này. Là thời gian quy định từ ngày phun xịt cuối cùng đến ngày thu hoạch phải đảm bảo theo khuyến cáo. Nhiều người cho rằng, thu hoạch sớm hơn khuyến cáo nhưng để trong kho 2 - 3 tháng là ổn, nhưng về thực chất, mức dư lượng vẫn còn trong nông sản, không thể phân hủy như khi còn trên đồng ruộng. Vì vậy, để hạn chế các vi phạm, doanh nghiệp cần nắm rõ MRL của nước muốn xuất khẩu vào.
Theo đó, tìm hiểu danh mục thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, đặc biệt chú ý thuốc cấm sử dụng; cụ thể hơn hoạt chất sử dụng cho từng loại nông sản (hoạt chất sử dụng trên lúa không thể áp dụng cho thanh long). Ngoài ra, cần nắm rõ dịch hại chính trên cây và biện pháp phòng trừ, nhất là loại sâu bệnh xuất hiện giai đoạn cuối để chọn loại thuốc bảo vệ thực vật thích hợp, hiệu lực tốt, thời gian cách ly ngắn và ưu tiên sử dụng hoạt chất có MRL tại nước nhập khẩu.
Khi đã nắm rõ yêu cầu của nước nhập khẩu, tìm hiểu kỹ và tuân thủ danh mục sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ở nước nhập khẩu, sẽ giảm nguy cơ vi phạm MRL.
Tiến sĩ Jason Sandahl, Cố vấn kỹ thuật an toàn thực phẩm Văn phòng xây dựng và phát triển nhân lực Cục Nông nghiệp nước ngoài USDA, cũng là một chủ nông trại, cho rằng MRL là cơn ác mộng của người nông dân và nhà xuất khẩu. Vì vậy cần hài hòa các hệ thống quốc gia trong khu vực như cách làm của các nước Đông Phi, Nam Phi hay OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, với 34thành viên là các quốc gia có thu nhập cao).
Công Phiên (Báo SGGP)