24/10/2018 00:55
Thẩm phán Suzanne Bolanos ở TP San Francisco - Mỹ hôm 22-10 giữ nguyên phán quyết của một bồi thẩm đoàn, theo đó sản phẩm thuốc diệt cỏ Roundup của Công ty Hóa chất Monsanto gây ung thư cho ông Dewayne Johnson.
Dù vậy, thẩm phán này đã giảm số tiền mà Monsanto phải bồi thường cho người đàn ông đang cận kề cái chết vì ung thư này từ 289 triệu USD còn 78 triệu USD.
Ông Jonhson, 46 tuổi, có thời gian từ giờ đến ngày 7-12 để quyết định có chấp nhận khoản tiền bồi thường mới hay không. Các luật sư của ông cho biết việc giảm tiền bồi thường là không xác đáng và đang cân nhắc các lựa chọn.
Dù vậy, họ cũng nhận định phán quyết là thắng lợi cho hệ thống pháp lý của nước Mỹ. Trong khi đó, thẩm phán Bolanos cho biết nếu bên nguyên không chấp nhận khoản bồi thường nói trên, bà sẽ ra lệnh tiến hành phiên xét xử mới.
Ông Dewayne Johnson rời một tòa án ở TP San Francisco hôm 10-10 Ảnh: REUTERS
Đây là phiên tòa đầu tiên nhằm vào sản phẩm thuốc diệt cỏ của Monsanto, công ty hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn dược phẩm Bayer (Đức). Trong phán quyết hồi tháng 8, một bồi thẩm đoàn kết luận thuốc diệt cỏ Roundup đã khiến ông Johnson bị ung thư và công ty không cảnh báo trước về những tổn hại sức khỏe khi sử dụng sản phẩm này.
Bayer kháng cáo với lý do không đủ bằng chứng. Phản ứng trước quyết định của thẩm phán Bolanos, tập đoàn này cho rằng việc giảm tiền bồi thường là bước đi đúng hướng nhưng dự định tiếp tục kháng cáo.
Theo báo The Guardian, phán quyết hồi tháng 8 là chiến thắng lớn dành cho các nhà hoạt động chống lại việc sử dụng Roundup, sản phẩm diệt cỏ được sử dụng nhiều nhất thế giới.
Một số nghiên cứu phát hiện mối liên hệ giữa hóa chất Glyphosate, thành phần chính của Roundup, và một loại ung thư máu gọi là ung thư hạch bạch huyết không Hodgkin. Chiến thắng trên đã mở đường cho hàng ngàn bệnh nhân cùng người thân của họ tìm kiếm công lý và bồi thường tại tòa án ở Mỹ.
Khoảng 8.700 nguyên đơn đang kiện Monsanto khắp nước với cáo buộc việc sử dụng thuốc diệt cỏ có chứa Glyphosate dẫn đến nhiều loại ung thư. Trong số này, hơn 10 phiên tòa dự kiến bắt đầu trong năm 2019 và 2020 tại các bang California, Montana và Delaware, các thành phố Kansas City và St. Louis (nơi Monsanto đặt trụ sở).
Tác động của cuộc chiến pháp lý có thể vô cùng lớn nếu Monsanto tiếp tục thua tại tòa. Ông Lars Noah, chuyên gia luật tại Trường ĐH Florida (Mỹ), nhận định công ty này rốt cuộc có thể buộc phải thay đổi nhãn dán, đưa thêm cảnh báo người tiêu dùng về nguy cơ ung thư và dàn xếp các vụ kiện ngoài tòa án.
Hoàng Phương