Tỷ trọng xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn còn tăng mạnh trong thời gian tới. Do vậy, bên cạnh những thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản… rau quả Việt đang tìm đường phát triển vào EU bởi thị trường này được đánh giá khá tiềm năng.
Sơ chế thanh long xuất khẩu tại Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Cát Tường. Ảnh: Minh Trí/TTXVN
Tuy nhiên, các quy định về hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn quá cao trên rau củ quả đang là các yếu tố cản đường các sản phẩm rau quả của Việt Nam vào thị trường EU.
Thông tin trên được ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết tại Hội thảo "Duy trì và mở rộng thị trường rau quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vào EU" do Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-MUTRAP) tổ chức sáng 11/10 tại Hà Nội.
Theo thống kê, tính đến hết tháng 9 xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt hơn 2,6 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù được đánh giá là thị trường rộng lớn hứa hẹn nhiều tiềm năng cho rau quả Việt, song vấn đề an toàn thực phẩm của thị trường EU đòi hỏi khá khắt khe và mới chỉ đạt kim ngạch 100 triệu USD.
Do vậy, để thúc đẩy xuất khẩu và bảo đảm chất lượng sản phẩm, theo ông Nguyễn Hữu Đạt, đối với nhóm gia vị, doanh nghiệp cần duy trì giải pháp quản lý mã số nhà lưới và nhà đóng gói như hiện nay; cải tiến theo quy trình nhà lưới và quy trình canh tác trong nhà lưới đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao hơn.
Mặt khác, ông Nguyễn Hữu Đạt cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt Nam ngoài vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, các sản phẩm phải đạt chuẩn HACCP hay GlobalGAP. Hiện nay, GlobalGap trở thành tiêu chuẩn tối thiểu cho các siêu thị ở EU. Đây là tiêu chuẩn bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất, chưa tính chế biến và đóng gói.
Nhận định thêm về vấn đề này, ông Ruggero Malossi- chuyên gia quốc tế dự án EU – MUTRAP cho rằng, vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm sau cùng luôn được phía EU chú trọng. Chẳng hạn, một loại thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng thì không sản phẩm nào có dư lượng thuốc đó.
Ngoài ra, để bảo đảm an toàn thực phẩm và tránh thiệt hại về môi trường, EU hạn chế sử dụng một số hóa chất nên sản phẩm nhập khẩu phải chịu một sự kiểm soát chính thức.
Cụ thể, EU thiết lập giới hạn đối với một số chất lây nhiễm nhất là giới hạn nitrat trong rau dền, rau diếp và các kim loại liên quan đến rau quả tươi. Hiện nay, rau quả đang được EU kiểm tra về giấy tờ, danh tính hàng hóa, kiểm tra thực tế hàng hóa.
Đại diện phía doanh nghiệp chia sẻ, nông dân Việt Nam chủ yếu là các hộ nhỏ lẻ nên việc kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm là không dễ. Mọi người lại không có nhiều kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường. Việc tiếp cận các thông tin không phải ai cũng thực hiện được.
Không những thế, làm thế nào để đảm bảo các hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong ngưỡng các thị trường xuất khẩu yêu cầu. Những vườn trồng rau gia vị đăng ký xuất vào EU đều được phía thị trường giám sát, kiểm tra và cấp mã số. Cách làm này được phía Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá cao về hiệu quả nhưng các loại cây ăn trái khác chưa có biện pháp để giảm thiểu hàm lượng các dư chất trừ sâu.
Để đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển bền vững tại thị trường này, các chuyên gia cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam là các sản phẩm rau quả xuất khẩu cần hướng tới các sản phẩm hữu cơ vì ngày càng nhiều người tiêu dùng EU thích các sản phẩm thực phẩm được sản xuất và chế biến bằng phương pháp tự nhiên.
Hơn nữa, các bộ, ngành cần sớm xây dựng chiến lược phù hợp cho từng thị trường; hỗ trợ các dịch vụ vận chuyển thuận lợi cho các sản phẩm Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như thanh long, nhãn, chôm chôm, bưởi, xoài...
Về phía doanh nghiệp, các chuyên gia cũng cho rằng cần tập trung quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung phục vụ cho sản phẩm chủ lực xuất khẩu; đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật và công nghệ bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Hiện Việt Nam đang đàm phán với EU để thương lượng lại hàm lượng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...
Ông Đàm Quốc Trụ, Chuyên gia tư vấn trong nước, Dự án EU-MUTRAP - đề xuất, muốn gia tăng xuất khẩu vào EU, về phía nhà nước nên bố trí kinh phí, đầu tư nguồn lực giúp cho việc đàm phán với các nước thống nhất về biện pháp kiểm dịch cho đồng nhất.
Ngoài ra, nên có chính sách đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật, công nghệ sau bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Cùng đó, cần có chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản để có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nông sản quốc tế.
Uyên Hương (TTXVN)
(Tùng Linh APC - sưu tầm)