Trái ngược với nhiều năm trước, phần lớn nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều cảm thấy lo lắng khi bước vào vụ thu hoạch cà phê. Bởi sau 1 năm vất vả, mệt nhọc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”… nhưng cây cà phê vừa mất mùa, vừa mất giá. Khó khăn còn bao trùm người nông dân khi nhân công thu hái cà phê đắt đỏ, khan hiếm...
Ảnh minh hoạ
Nhân công khan hiếm, đắt đỏ
Khác với nhiều năm trước, nghề thu hoạch cà phê không còn hấp dẫn người lao động thời vụ tham gia. Cũng do khan hiếm nhân công nên hiện nay, nhiều chủ vườn cà phê đều phải đối diện với tình trạng giá nhân công tăng cao, “cò” lao động ép giá…
Từ đầu tháng 10, khi quả cà phê còn xanh gia đình ông Nguyễn Văn Dũng, ở huyện Đắk R’lấp đã phải săn lùng, đặt cọc thuê 10 nhân công ở tỉnh Phú Yên. Theo ông Dũng, vài năm trở lại đây, nhân công thu hái cà phê khan hiếm nên người lao động tính công theo hình thức mới là tính theo sản lượng. Mấy năm trước, giá thu hái cà phê giao động từ 600 - 800 nghìn đồng/kg cà phê tươi. Tuy nhiên, năm nay, giá nhân công tăng lên 1 triệu đồng nhưng vẫn khan hiếm.
Ông Dũng cho biết: “Để thu hút người lao động thời vụ, ông đã đưa ra nhiều “ưu đãi” nên nhóm 10 người ở tỉnh Phú Yên mới đồng ý nhận hái 4ha cà phê cho gia đình ông. Trong quá trình thu hoạch, gia đình tôi đã bố trí chỗ ăn ở, nấu nướng, nắng nóng quá thì mua nước ngọt, buổi tối thì mua trái cây bồi bổ mới mong giữ chân người lao động. Nói chung là phải “chiều” người hái, chứ không họ giận là họ bỏ về thì hỏng hết. Bởi cà phê để lâu quá sẽ bị chín rụng hoặc bị mọt nên không thể chờ đợi lâu. Mặc dù gia đình tôi mới hái được 2ha nhưng nhiều gia đình khác đã đến tranh nhau đặt cọc để nhóm công nhân này sau khi hái xong cho nhà tôi sẽ đến hái cho họ” - ông Dũng chia sẻ.
Không may mắn như ông Dũng, gần 1 tháng nay, ông Diệp Văn Qúy, ở huyện Đắk Mil đã nhờ người quen, rồi đăng tin trên mạng xã hội thuê nhân công hái cà phê, nhưng mới có 2 - 3 người phản hồi. Ông Quý cho hay: “Hiện nay, nhân công hái cà phê tại chỗ thuê không có. Còn người các tỉnh khác cũng không đến địa phương nhiều như mọi năm nên nhu cầu lao động mùa vụ của người trồng cà phê trở nên khó khăn, khan hiếm”.
Hiện nay, giá nhân công hái cà phê rơi vào khoảng 900 - 1.200 đồng/kg theo hình thức hái khoán. Cá biệt, tại những nơi vùng sâu, vùng xa giá nhân công tăng lên đến 1.500 đồng/kg. Còn thuê công ngày, rẻ nhất cũng 300.000 - 400.000 đồng/ngày/người. Đây đều là mức giá cao hơn mọi năm nhưng thị trường lao động tự do mùa thu hoạch cà phê lại khan hiếm.
Nguyên nhân được nhiều chủ vườn cà phê đưa ra là cây cà phê không còn ở thời kỳ “hoàng kim”. Khi giá cả cà phê xuống thấp thì người nông dân cũng không hào phóng như mọi năm, trong khi nghề thu hái cà phê là vất vả, mệt nhọc. Vài năm gần đây, ở các tỉnh đồng bằng, lao động phổ thông thường chọn làm công nhân ở các khu công nghiệp vì không vất vả, cực như đi hái cà phê thuê. Trong khi đó, ngay tại địa phương, một số vùng lao động trẻ lại đi các thành phố lớn kiếm việc nên nhân công hái cà phê trở nên thiếu hụt hẳn.
Cà phê mất mùa, mất giá
Vào thu hoạch cà phê, ông Nguyễn Văn Kiến, ở huyện Đắk Glong đã gói ghém gạo, mắm, cá khô... vào rẫy để thu hái 3ha cà phê. Hiện nay, đa số các rẫy cà phê chưa chín đều, nhưng nếu không thu hoạch dần thì cà phê dễ bị chín rụng, tốn thêm nhiều công lao động để dọn gốc, nhặt hạt.
Ông Kiến cho biết: “Năm nay, năng suất cà phê không cao như mọi năm, giá cả xuống thấp nên người nông dân như chúng tôi trước chỉ mong thu hồi vốn, sau thì được đồng nào hay đồng đó. Qua tính toán, 3ha cà phê gia đình tôi thu về được hơn 7 tấn nhân. Với mức giá cà phê giao động từ 30 - 35 nghìn đồng/kg như năm nay, gia đình tôi sẽ tiết giảm việc nhân công, tranh thủ tự thu hái để không bị thua lỗ”.
Những ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Nhật, ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đang thu hái cà phê. Những bao cà phê đầu vụ thu hoạch đã về sân phơi, nhưng ông Nhật không vui vẻ, vì năng suất, giá cả đều ở mức thấp. Ông Nhật chia sẻ: “Mùa khô vừa qua do thiếu hụt nước tưới, nên vườn cà phê giảm năng suất hơn một nửa. Giá đình có 1 ha cà phê, hái xong chắc chỉ được khoảng 2 tấn cà phê nhân. Nhìn chung, vụ cà phê năm nay, gia đình tôi bị thua lỗ nghiêm trọng do chi phí xăng dầu để chống hạn, vào vụ thì mất mùa, mất giá..."
Theo cơ quan chức năng, do ảnh hưởng bởi hạn hán từ đầu vụ nên năng suất, sản lượng cà phê năm nay có giảm so với các năm trước. Về nguyên nhân giá thấp thì thời điểm này cây cà phê đang bước vào vụ thu hoạch. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu đang tồn nhiều hàng chưa xuất khẩu được nên giá cả sẽ ở mức thấp cho đến khi hàng hóa xuất khẩu tăng mạnh thì mới có diễn biến mới.
Bảo Lâm (Báo Lao Động)