Xã Kỳ Thượng (huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) là địa phương rất nổi tiếng với thương hiệu cây đặc sản quýt tắc, quýt sáp. Nhờ thu nhập từ quýt mà người dân nơi đây từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Nhưng, mùa quýt năm nay người dân gần như bị mất trắng.
Vườn quýt của ông Võ Văn Minh gần như mất trắng
Dẫn chúng tôi đi xem trang trại chuyên trồng quýt trên động Nhà Hòi, ông Võ Văn Minh (55 tuổi, ở thôn Tân Tiến) cho biết, mùa quýt năm nay gia đình ông mất trên 90%. Đây là năm bị mất mùa, thất thu nặng nề nhất từ trước đến nay. Hầu hết các cây quýt chỉ cho ra lá và hoa, không đậu quả. Cây nào may mắn ra quả cũng chỉ lác đác đếm được trên đầu ngón tay.
Gia đình ông Minh có 6ha trồng quýt tắc, quýt sáp với khoảng 8.000 gốc đã nhiều năm tuổi tại khu vực động Nhà Hòi. Năm nào được mùa thì thu khoảng 600 triệu đồng, ngoài ra còn thu nhập hơn 2 tấn vỏ quýt để làm dược liệu với giá 80.000 - 100.000 đồng/kg.
Tương tự, tại trang trại của gia đình ông bà Bùi Quang Minh (78 tuổi), Nguyễn Thị Cương (74 tuổi), ở thôn Phúc Thành 2 tại khu vực đồi Cây Dâu, hàng ngàn gốc quýt tắc, quýt sáp phát triển xanh tốt, cành lá sum suê, nhưng cũng không đậu quả. Gia đình ông bà Minh trồng quýt đã được hơn 20 năm, hiện có hơn 2.000 gốc quýt trên diện tích hơn 4ha, nhưng chưa có năm nào lại mất trắng như năm nay. Trước đây, năm nào được mùa, gia đình thu về khoảng 170 triệu đồng, chưa tính tiền bán vỏ quýt, nhưng năm nay ước tính sản lượng quýt chỉ được khoảng 5 - 10 triệu đồng.
Ông Vũ Trung Tiến, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng, cho biết, nguyên nhân quýt Kỳ Thượng bị mất mùa là do năm 2018 quýt được mùa lớn, quá trình thu hoạch, người trồng hái quả, bẻ cành khiến cây quýt phát triển yếu dần. Mặt khác, năm 2017, xã bị ảnh hưởng nặng nề cơn bão số 10, năm 2018 thì cho quả quá nhiều khiến cây bị suy.
Theo kinh nghiệm dân gian, nếu năm này được mùa thì năm sau mất mùa. Ngoài ra, cũng có một phần là do năm 2019 thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn khốc liệt kéo dài làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng.
Người dân ở Kỳ Thượng trồng quýt từ lâu đời và quýt ở đây rất nổi tiếng, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân. Có hộ thu nhập 400 - 600 triệu đồng/năm. Hiện nay, toàn xã Kỳ Thượng có khoảng 500 hộ dân trồng quýt với gần 70ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Phúc Thành 2, Bắc Tiến, Tân Tiến.
Dương Quang (Báo SGGP)