Lúa Nếp Hương thơm dẻo, giá bán cao, đầu ra thuận lợi

Giống lúa Nếp Hương của Công ty Hồng Quang (Ninh Bình) vừa được Cục Trồng trọt công nhận lưu hành giống cây trồng trong vụ xuân, vụ hè thu - mùa các tỉnh phía Bắc.

Giống lúa Nếp Hương khoe bông trĩu hạt. 

Giống lúa Nếp Hương khoe bông trĩu hạt. 

Đây là giống lúa nếp chất lượng do Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Hồng Quang chọn tạo. Qua sản xuất giống lúa Nếp Hương vụ xuân 2020 tại tỉnh Ninh Bình cho thấy, vụ này thời tiết thất thường, nhiều đợt rét trong khi lúa trỗ nhưng Nếp Hương vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao. Nông dân xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh thu hoạch đạt từ 260 - 300 kg/sào (360m2), bán lúa tươi tại ruộng 7.200 đồng/kg, bình quân thu nhập 2 triệu đồng/sào, trừ chi phí sản xuất còn lãi 1 - 1,2 triệu đồng/sào. 

Tại các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Dương, Yên Bái... lúa Nếp Hương cũng thể hiện tính chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi điều kiện sinh thái địa phương, năng suất khá; đặc biệt sản phẩm lúa được doanh nghiệp bao tiêu tại ruộng với giá cao hơn lúa thường từ 500-1.000 đồng/kg, cá biệt có một số HTX ở huyện Bình Giang (Hải Dương) được thu mua với giá 7.500 - 7.800 đồng/kg. Có thể nói đây là giống lúa làm giàu cho nông dân, phù hợp với sản xuất hàng hóa chất lượng gắn với liên kết chuỗi khép kín đảm bảo an toàn thực phẩm.

Giống lúa Nếp Hương có thời gian sinh trưởng tại miền Bắc: vụ xuân 120 – 125 ngày; vụ mùa 100 – 105 ngày. Tại miền Trung, có thời gian sinh trưởng 103 – 108 ngày trong vụ xuân, 95 – 100 ở vụ hè thu.

Chiều cao cây trung bình 115 – 120 cm. Lúa có đặc tính cứng cây, chống đổ ở mức khá. Chiều dài bông đạt 23 – 26 cm, hạt bầu tròn, màu vàng sáng.

Dạng cây gọn, loại hình đẹp, đẻ nhánh trung bình, chịu rét và sâu bênh ở mức khá. Theo tính toán, năng suất lúa bình quân khoảng 55 – 60 tạ/ha, 65 – 70 tạ/ha với điều kiện thâm canh tốt.

Gạo của giống lúa Nếp Hương màu trắng đục, cơm dẻo, mềm và có mùi thơm nhẹ, thích hợp cho việc nấu xôi, bánh chưng, bánh nếp.

Về kỹ thuật sản xuất, đối với giống qua vụ, giống phải được ngâm ủ trong nước sạch từ 42 – 48 giờ, cứ 12 giờ thay nước rửa chua 1 lần. Sau đó đãi sạch và ủ hạt giống ở nhiệt độ thích hợp, khi mầm và rễ dài tương đương chiều dài hạt thóc thì đem gieo.

Đối với lúa giống liền vụ (mới thu hoạch), phải ngâm ủ lâu hơn, từ 55 – 60 giờ. Quy trình tiếp theo tương tự với giống qua vụ.

Về thời vụ gieo cấy, Công ty Hồng Quang lưu ý, cần căn cứ vào hướng dẫn của cơ quan chuyên môn địa phương để xuống giống trà xuân muộn, hè thu và mùa sớm. Vụ xuân gieo cấy từ 25/1 – 10/2, vụ mùa từ 5 – 15/6. Riêng các tỉnh miền Trung có thể gieo cấy sớm hơn để tránh gió Lào ở vụ xuân và tránh lụt sớm ở vụ mùa. Tuổi mạ khi cấy từ 3,5 – 4 lá là đạt (với phương thức gieo mạ).

Mật độ cấy từ 40 – 42 khóm/m3 với đất giàu dinh dưỡng, 45 – 55 khóm với đấy kém dinh dưỡng, cấy 3 – 4 dảnh/khóm.

Về phân bón, lúa Nếp Hương cần 1 lần bón lót và 2 lần bón thúc. Riêng ở vụ mùa, tuyệt đối không được bón đạm đón lòng.

Nếp Hương là giống lúa ngắn ngày, cần bón tập trung, không rải vụ. Lượng phân bón có thể điều chỉnh tùy vào chân đất, mùa vụ và thời tiết. Đối với phòng trừ sâu bệnh, người dân cần thương xuyên thăm đồng và phòng trừ kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.  

Tham quan đánh giá đầu bờ sản xuất giống lúa Nếp Hương tại Hà Tĩnh vụ xuân 2020.

Tham quan đánh giá đầu bờ sản xuất giống lúa Nếp Hương tại Hà Tĩnh vụ xuân 2020.

PV