QUẢNG NAM - Đề án 548 đã khơi dậy được nội lực tiềm ẩn của huyện Tiên Phước (Quảng Nam), góp phần đưa ngành nông nghiệp của địa phương này 'lột xác' sau 5 năm triển khai.
Đánh thức tiềm năng kinh tế vườn
Nhắc đến nét đẹp ở những vùng quê xứ Quảng, không thể không nói đến vùng đất trung du Tiên Phước. Nơi đây hội đủ nét đẹp của sông, của núi, của những mảnh vườn mướt màu xanh cây trái và cả những ngôi nhà cổ mê đắm lòng người. Ở đây, dưới khung cảnh thanh bình của làng quê, cuộc sống của người dân nhẹ nhàng, bình dị nhưng không kém phần sung túc, đủ đầy.
Những kết quả đó là cả quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của chính quyền và người dân trong việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 548) do UBND huyện Tiên Phước khởi xướng.
Phong trào cải tạo vườn tạp đã nhanh chóng có bước đột phá từ khi Đề án 548 của huyện Tiên Phước ra đời. Ảnh: Q.H.
Nhắc lại thời điểm trước khi Đề án 548 ra đời, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chia sẻ, người dân địa phương này vốn có truyền thống làm vườn từ lâu đời. Qua nhiều thời kỳ, những khu vườn được cải tạo, nâng cấp, tu bổ và chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, quyết định sản xuất, thu nhập, đời sống của phần lớn người dân địa phương.
Vườn cây của người dân Tiên Phước được cơ cấu nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, theo kiểu vườn sinh thái đa cây, đa con, đa tầng, trong đó có những loại cây đặc sản của Tiên Phước và Quảng Nam như tiêu, lòn bon, thanh trà, dó, sầu riêng, măng cụt…
“Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại chỉ dừng lại ở khâu sản xuất. Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa hình thành, mức độ đầu tư thâm canh, áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ chưa được chú trọng. Điều này dẫn đến năng suất, chất lượng nông sản còn thấp, giảm khả năng cạnh tranh”, ông Anh nói.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/lot-xac-nho-mot-de-an-ve-kinh-te-vuon-d345326.html