Một chu trình khắc nghiệt cứ tái diễn trong sản xuất nông nghiệp nước ta những năm gần đây: tình trạng “được mùa mất giá”, thừa ế nông sản, gây thua thiệt lớn cho nông dân. Từ việc mất giá, mất thị trường ở những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu nằm trong tốp đầu so với thế giới như gạo, cà phê, tiêu, cao su… nay đã lấn sang cả các mặt hàng tiêu dùng thông thường như thịt heo, gà, quả chuối, dưa hấu, trái ớt, củ hành…
Ảnh minh họa
Trước việc nông sản thừa ế, người dân cả nước đã tiến hành nhiều đợt “giải cứu”, giúp nông dân tiêu thụ hàng hóa. Nhưng vấn đề đặt ra là thái độ đồng cảm tốt đẹp ấy có làm nông dân khá lên, sản xuất bài bản hơn hay chỉ là việc giúp “vượt cạn” nhất thời và nhà nông vẫn phải đối mặt với nguy cơ cũ? Nông dân vốn bộc trực và có tinh thần chịu đựng. Mỗi khi thị trường đỏng đảnh, trở quẻ thì công sức của họ cả mùa coi như tiêu tan. Nông dân có lỗi không khi họ phải tự thân đánh cược với thị trường và mặc cho thương lái nước ngoài thao túng ngay trên mảnh ruộng, vườn cây của mình? Nông dân hiện nay vẫn sản xuất theo lối tự phát. Thấy cây, con gì bán có giá là uà theo trồng, nuôi; thương lái nước ngoài đến dạm giá thu mua cao là phá bỏ cây cũ ồ ạt trồng cây mới. Mua được vài vụ, thương lái biến mất, đành chịu vỡ trận, sản phẩm bỏ thối ngoài đồng.
Nghịch cảnh của nông nghiệp nước ta là làm trước, bán sau; nông dân sản xuất không được bảo hiểm, không có hợp đồng nên luôn chịu thua thiệt. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu còn nhiều hạn chế. Hầu như nhiều loại nông sản nước ta đều lệ thuộc vào thị trường bên ngoài, xuất khẩu phần lớn bằng đường tiểu ngạch với thị trường truyền thống, giá thấp nhưng rủi ro cao, thường xuyên bị làm giá và ép giá, buộc phải bán bằng không phải đổ bỏ. Người nông dân còn bị thua ở cả thị trường nội địa do hệ thống thu mua, phân phối quá nhiều tầng nấc trung gian. Hiện nay dưa ế, nông dân bán tại ruộng 1.000 - 2.000 đồng/ kg nhưng giá bán lẻ ở chợ các thành phố lớn lên đến 17.000 - 20.000 đồng/ kg. Từ dịp tết đến nay, người tiêu dùng không được “hưởng lợi” gì khi giá heo hơi, gà, trứng giảm mạnh vì giá bán lẻ ở các chợ vẫn cao!?
Điều nghịch lý Việt Nam cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp, luôn đứng đầu trong tốp thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hồ tiêu… nhưng các loại nông sản mang thương hiệu Việt trên thị trường thế giới lại rất hiếm hoi. Đến thời điểm này cả nước chỉ mới có vài sản phẩm được công nhận dưới dạng đăng ký chỉ dẫn địa lý, như nước mắm Phú Quốc, nhãn lồng Hưng Yên, gạo tám Hải Hậu, vải thiều Bắc Giang… 80% sản lượng chè Việt Nam được xuất khẩu đến 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, song người tiêu dùng các nước không biết xuất xứ Việt Nam, bởi lẽ phần lớn được xuất thô. Sau khi nhập khẩu, các doanh nghiệp nước ngoài chế biến, đưa ra thị trường với thương hiệu của mình và bán giá cao ngất.
Thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp cho thấy con số nhức nhối: Chỉ có khoảng 15% trong số hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam là các doanh nghiệp trong nước; hơn 80% hàng nông sản của ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài; trong nước có khoảng 80% sản phẩm nông nghiệp tiêu thụ không có nhãn hiệu! Hệ quả của việc này là nông dân thua thiệt vì giá cả bấp bênh, người tiêu dùng mất niềm tin về chất lượng sản phẩm, đành phải “chuộng” nhãn mác nước ngoài. Điều này ai cũng thấy, nhưng như nhận định của một chuyên gia: Đây không phải là vấn đề mới, nhưng thực tế xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản Việt Nam bao năm qua vẫn nói nhiều hơn làm; đến nay các mặt hàng gạo, cà phê, con tôm Việt Nam… vẫn chưa có thương hiệu tương xứng trên thị trường thế giới.
Nỗi lo cho nông nghiệp còn ở tỷ trọng xuất khẩu hàng nông sản ngày một giảm mạnh. Giai đoạn 2012 - 2016, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu chung đạt mức tăng trưởng khá cao (12,8%/năm) thì xuất khẩu hàng nông sản chỉ tăng trung bình 2,4%/năm; giảm từ mức 13% năm 2012 xuống còn 8,6% năm 2016. So với quý 1 năm trước tăng trưởng âm, tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp quý 1 năm nay ước tăng 2,03%, tuy nhiên vẫn là mức thấp so với mục tiêu đề ra (2,8%).
Để cứu vãn nền nông nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội khu vực nông thôn cần gấp rút tổ chức lại mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao để giảm giá thành, bảo đảm an toàn sản phẩm. Sự chuyển hướng này là tất yếu, xuất phát từ sức ép rất lớn từ thị trường trong nước và cả trên bình diện quốc tế, bởi lẽ khách hàng ngày càng khó tính, đòi hỏi thực phẩm sạch và sản phẩm có thương hiệu.
Trên một góc độ khác, Báo cáo phát triển Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, đã khuyến nghị Việt Nam nên theo đuổi chính sách nông nghiệp giảm về sản lượng, tăng giá trị. Ông Sergiy Zorya, chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp của WB, nêu nhận xét: Tại Thái Lan mỗi ha chỉ sản xuất 3 tấn gạo nhưng giá trị lên tới 1.000USD/ tấn, còn Việt Nam mỗi hécta tạo ra 7 tấn gạo nhưng giá trị thấp, chưa đến phân nửa Thái Lan. Vì vậy không nhất thiết phải theo đuổi mục tiêu tăng sản lượng. Năm trước, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu rau quả có giá trị nhiều hơn so với lúa gạo. Do vậy, việc cần làm là xây dựng cho được các khu sản xuất chuyên làm nông nghiệp, sản xuất chuyên một mặt hàng từ trồng trọt đến thành phẩm đóng gói đưa đến người tiêu dùng.
Để làm được điều này phải có vai trò của nhà nước, sự kết nối giữa các doanh nghiệp mạnh và các hộ nông dân; hỗ trợ và định hướng nông dân thay đổi cách thức sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững. Có được thành quả này nỗi lo về sự bất ổn ngành nông nghiệp và thu nhập nhà nông bèo bọt mới vơi đi; khi ấy người nông dân mới có thể đổi đời trên mảnh đất của mình.
Lê Tiền Tuyến (Báo SGGP)
(Tùng Linh APC - sưu tầm)