Liên kết sản xuất nấm

Đến thăm mô hình khuyến nông “Liên kết nuôi trồng nấm ăn” tại gia đình ông Hoàng Việt Hùng ở xã Lạc Đạo, Văn Lâm (Hưng Yên) chúng tôi đã ghi nhận được một số cách làm mới, có thể gợi mở giúp nhà nông vươn lên làm giàu.

Mô hình nuôi trồng nấm sò của ông Hoàng Việt Hùng

Cũng như nhiều hộ khác, khi chuyển đổi từ canh tác lúa sang nuôi trồng nấm ăn, ông Hùng rất thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất. Để khắc phục khó khăn này, ông đã tranh thủ được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên và liên kết được với chuỗi giá trị sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu.

Theo đó, ông chỉ thực hiện làm từ các khâu ươm bịch - nuôi trồng - thu hái và tiêu thụ sản phẩm. Các công đoạn thu mua nguyên liệu - xử lý nguyên liệu - đóng bịch - thanh trùng và cấy giống, ông đặt mua trả chậm từ các cơ sở chuyên sản xuất nấm có uy tín ở trong hoặc ngoài tỉnh.

Đối tượng chính để ông Hùng chọn nuôi trồng là nấm sò. Vì nấm ăn nói chung, nấm sò nói riêng được ví như một loại rau cao cấp sạch, ngon và bổ dưỡng nhất trong các loại rau đang trồng ở nước ta hiện nay. Đây còn là loại nấm thông dụng được nhiều người tiêu dùng biết đến, khả năng tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn.

Bằng cách làm lấy ngắn nuôi dài như trên, từ chỗ mỗi năm chỉ ươm nuôi 2.000 - 3.000 bịch nấm, đến nay ông Hùng đã mở rộng qui mô sản xuất lên 70.000 bịch nấm/năm, sản lượng thu hoạch đạt gần 20 tấn nấm tươi các loại, lợi nhuận 250 triệu đồng/năm, không phải dùng bất kỳ loại phân bón, hay hóa chất bảo vệ thực vật. Có thể coi đây là nghề sản xuất thân thiện với môi trường.

Thực tế nuôi trồng nấm tại mô hình nhà ông Hùng đã cho thấy:

Sản xuất nấm đòi hỏi kỹ thuật rất khắt khe. Từ vệ sinh nhà ươm trồng đến nước tưới dưỡng nấm hàng ngày đều phải sạch sẽ, không nhiễm kim loại nặng và các vi sinh vật gây hại. Phương pháp rạch bịch, nuôi trồng, thu hái và bao tiêu sản phẩm phải chính xác, khoa học. Chỉ một khâu nào đó không đúng kỹ thuật cũng dẫn đến thất thu cả mùa vụ.

Cây nấm sò có mối tương quan chặt với môi trường. Mỗi giai đoạn sinh trưởng của nấm cần một ngưỡng nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng khác nhau. Đòi hỏi nhà sản xuất phải theo dõi sát mọi diễn biến của môi trường, để điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ và ánh sáng trong nhà nuôi trồng nấm cho phù hợp, có thể tăng, giảm hoặc dừng tưới nước cho cây nấm; cũng có thể đóng, mở hoặc che bớt các cửa chiếu sáng cho nhà nuôi trồng...

Quá trình sản xuất nấm sò ăn tươi còn gặp phải một số khó khăn. Đó là không thể nuôi trồng rải vụ thu hoạch, để tránh áp lực sản lượng tập trung quá cao vào một thời điểm. Theo đó phải tổ chức thật tốt các đầu mối bao tiêu sản phẩm, trước khi xây dựng kế hoạch nuôi trồng. Chênh lệch nhiệt độ ngày đêm mùa đông ở miền Bắc khá cao, làm giảm độ bền cơ chất của bịch nấm, giảm năng suất, giảm sản lượng.

Để khắc phục cần bố trí cơ cấu giống nấm chịu lạnh và chịu nóng hợp lý; Việc làm cho quá trình nuôi trồng nấm thường không đều, gây khó khăn cho thuê lao động thường xuyên.

Thành công trong nuôi trồng nấm sò, ông Hùng đã rút ra: Năng suất chất lượng nấm hoàn toàn phụ thuộc vào tay nghề kỹ thuật của nhà sản xuất. Để trồng nấm đạt hiệu quả tốt, học nghề qua sách vở và nghe giảng trên lớp là chưa đủ, phải có khuyến nông cầm tay chỉ việc, hoặc nhận làm công cho một trại nấm nào đó, tới khi thuần thục mới bắt tay vào hành nghề. Nên trồng nấm đúng thời vụ. Ở các tỉnh phía bắc nấm sò trồng từ tháng 9 đến tháng 4 năm sau.

Nấm là một loại rau sạch, giàu dinh dưỡng, nhưng phần lớn người dân chưa có thói quen dùng nấm trong các bữa ăn thường ngày.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến ngành sản xuất nấm giàu tiềm năng ở nước ta phát triển còn hạn chế. Một phần còn do nhiều người dân ở khu vực nông thôn chưa biết chế biến nấm ăn thế nào cho hợp khẩu vị. Chế biến nấm không đúng cách ăn sẽ mất ngon.

Sau đây là các bước chế biến cơ bản cho nấm sò: Nấm tươi mua về, cắt bỏ chân - trần nước sôi - rửa sạch - xé nhỏ - vắt kiệt nước - xào, nấu, kho, băm nhỏ làm nem, trộn với trứng rồi rán... Nấm sò còn có giá trị dùng cho chế biến các món ăn chay rất tốt.

NGUYỄN HẢI TIẾN