Với 247,9 nghìn ha bưởi, vùng trung du, miền núi phía Bắc đứng thứ 2 cả nước về diện tích. Bài toán liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi cũng được đặt ra.
Các đại biểu tham quan mô hình trồng bưởi của người dân ở xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.
Thu lãi hàng trăm triệu đồng/ha
Ngày 18/11, tại Tuyên Quang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm bưởi”.
Tại khu vực trung du, miền núi phía Bắc, các địa phương có diện tích trồng bưởi lớn phải kể đến là Bắc Giang 5.182 ha, Tuyên Quang 4.867 ha, Hòa Bình 4.833 ha, Phú Thọ 4.346 ha, Sơn La 2.198 ha, Thái Nguyên 1.761 ha, Yên Bái 1.628 ha, Lạng Sơn 1.326 ha... Sản lượng bưởi của toàn vùng đạt gần 165 nghìn tấn/năm, chiếm 40,6% sản lượng bưởi miền Bắc.
So với nhiều cây trồng khác, cây bưởi đang là cây cho hiệu quả kinh tế khá cao. Tại Tuyên Quang, năm 2019, tổng số lượng bưởi đạt hơn 49 triệu quả, giá bán bình quân 10.000 đồng/quả, ước tổng giá trị thu nhập đạt trên 491 tỷ đồng. Tại Yên Bái diện tích bưởi cho sản phẩm là 845 ha, năng suất bình quân đạt 9,1 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 7.733 tấn. Tại Phú Thọ diện tích bưởi cho sản phẩm 3.000 ha, sản lượng ước đạt 35.640 tấn. Tại Bắc Giang, hiệu quả kinh tế của 1 ha cây có múi cho doanh thu trên 500 triệu/ha/năm, lợi nhuận thu được trên 350 triệu/ha/năm (cao gấp 7 - 10 lần so với trồng lúa)…
Trong những năm gần đây, phong trào trồng cây ăn quả có múi nói chung và cây bưởi nói riêng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang phát triển nhanh. Hiện tại tổng diện tích trồng bưởi toàn tỉnh đạt trên 4.867 ha, trong đó có gần 1.860 ha diện tích bưởi cho thu hoạch, ước đạt khoảng 20.000 tấn. Trung bình mỗi ha trồng bưởi trong thời kỳ kinh doanh cho thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng /vụ. Một số hộ gia đình đã có thu nhập ổn định từ trồng bưởi đạt 400 đến 600 triệu đồng/năm.
Do cây bưởi cho thu nhập khá ổn định nên diện dích trồng bưởi hàng năm tăng liên tục. Chỉ tính riêng 7 xã gồm: Thắng Quân, Tứ Quân, Phúc Ninh, Chiêu Yên, Quý Quân, Lực Hành và xã Xuân Vân thuộc vùng quy hoạch trọng điểm trồng bưởi của huyện Yên Sơn, nếu năm 2017 tổng diện tích trồng bưởi là 1.688 ha thì đến năm 2019 đã tăng gần gấp đôi và đạt 3.337 ha.
Gia đình anh Trịnh Xuân Lực là một trong những hộ gia đình điển hình trong việc phát triển kinh tế của thôn Đô Thượng 5, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn. Những năm trước đây, anh đã trồng nhiều loại cây, nhưng năng suất hiệu quả không cao. Từ khi chuyển đổi sang trồng bưởi đường, bưởi Da xanh, bưởi Diễn... gia đình anh đã có thu nhập đáng kể. Những năm được giá, 700 cây bưởi của gia đình anh đạt thu nhập trên 500 triệu đồng.
Đẩy mạnh liên kết tiêu thụ sản phẩm
Để việc liên kết tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả thì việc trồng, chăm sóc để bưởi có chất lượng tốt và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là vấn đề quan trọng. Ảnh: Đào Thanh.
Đẩy mạnh thực hiện các chuỗi liên kết, các địa phương đã chủ động thực hiện các cơ chế chính sách đồng hành cùng người trồng bưởi. Như thực hiện hỗ trợ theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển, hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệ; Chương trình xây dựng “Mỗi xã một sản phẩm” đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, nâng tầm giá trị và thương hiệu cây bưởi… Cùng với đó, mỗi địa phương lại có các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa khác nhau phù hợp với đặc thù riêng.
Tuy nhiên hiện nay về chế biến quả có múi nói chung và bưởi nói riêng của nước ta còn rất hạn chế. Hiện chưa có doanh nghiệp nào chuyên chế biến quả có múi mà một số doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, kết hợp chế biến quả có múi với các sản phẩm khác. Dòng sản phẩm chính trong chuỗi giá trị quả có múi chủ yếu là sản phẩm quả tươi, một phần nhỏ (quả không đạt tiêu chuẩn) được chế biến nước cam, bưởi tươi, nước cam cô đặc, mứt, cùi cam bưởi sấy, rượu vang... với số lượng nhỏ và chủ yếu tiêu thụ trong nước. Trong khi đó diện tích trồng bưởi và cây có múi ngày càng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát.
Ông Đỗ Đức Trường, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hòa Bình cho biết, diện tích cây bưởi của tỉnh hiện đạt hơn 5.000 ha, trong đó hơn 3.000 ha cho thu hoạch. Khó khăn lớn nhất hiện nay người trồng gặp phải đó là tiêu thụ sản phẩm và chuyển giao kỹ thuật. Hiện nay, trung bình mỗi ha bưởi người dân thu lãi từ 300 đến 350 triệu đồng. Với việc phát triển nhanh như hiện nay, tỉnh lo rằng tương lai sẽ không đảm bảo được giá trị như trên.
Trước thực trạng cây bưởi đang vấp phải những khó khăn, các đại biểu tham dự diễn đàn cũng đưa ra các giải pháp như: Cần rà soát, xác định quy mô và vùng sản xuất bưởi tập trung, gắn với quy hoạch thủy lợi và cơ sở hạ tầng khác; tổ chức lại sản xuất, thực hiện quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm và đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm cả khi xuất khẩu và tiêu thụ nội địa;
Tổ chức thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ, khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân trong chuỗi giá trị bưởi trồng tập trung; xây dựng kế hoạch để chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cho bưởi xuất khẩu (cấp mã số vùng trồng; cơ sở xử lý bưởi xuất đi EU); (mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói,... để xuất khi bưởi được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc); đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch, cơ cấu chín sớm 30 - 40%, chính vụ và muộn 60 - 70%, tập trung nhóm bưởi ngọt.
Năm 2019, xuất khẩu bưởi của Việt Nam đạt gần 4,8 triệu USD, 9 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu bưởi tăng mạnh, đạt 10,9 triệu USD, tăng 246,2% so cùng kỳ 2019. Trong 9 tháng đầu năm 2020, thị trường lớn đối với xuất khẩu bưởi của Việt Nam là ASEAN (8,2 triệu USD, chiếm 75,6%), tiếp theo là Canada (1,1 triệu USD, chiếm 9,7%) và EU (0,8 triệu USD, chiếm 7,3%). Những con số này sẽ là tiền đề để người trồng bưởi hi vọng vào một tương lai hiệu quả và tươi sáng hơn.
Đào Thanh