Nhờ biệt tài bắt cam ra sai quả theo ý muốn, lão nông Nguyễn Văn Ngân ở bản Văn Yên (xã Mường Thải, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) mỗi năm thu gần 1 tỷ đồng từ trồng 1ha cam VietGap.
Bén duyên với cam từ năm 2011, ngay từ những năm tháng đầu, ông Ngân đã mày mò, tìm hiểu rồi áp dụng quy trình kĩ thuật theo tiêu chuẩn VietGap vào chăm sóc vườn cam của gia đình. Tất cả các khâu từ làm cỏ, bón phân, tỉa cảnh đến phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, ông đều ghi chép tỉ mỉ để tiện theo dõi, đối chiếu với lần sau. Cũng từ đó, niềm đam mê với giống cây trồng mới trong ông ngày một nâng lên. Ông nằm lòng đặc tính của cây cam. Thời kì nào thì ra hoa, đậu quả, khi nào thì xuất hiện sâu bệnh hại cam, ông đều nắm rõ trong lòng bàn tay.
Ông Ngân có thể bắt cam ra quả sai lúc lỉu bằng cách khoanh gốc, cành cam
Ông Ngân cho biết: Trồng cam không khó nhưng làm thế nào để nó ra hoa, đậu nhiều quả, ít rụng trái lại không hề đơn giản chút nào. Qua thực tiễn chăm sóc cộng với kiến thức tìm hiểu qua sách báo, ông đã đúc rút ra biện pháp hay, đó là xiết nước.
Sau khi thu hoạch, ông Ngân dùng dao sắc khoanh gốc hoặc cành cam, hạn chế nước lên, giúp cho cam nhanh rụng lá. Cùng với đó, ông dùng cuốc, cuốc rãnh sâu từ 20 – 30 cm, sau đó rắc vôi bột giữ nước rồi bỏ phân, lấp đất. Làm như vậy cam sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Sau đợt mưa xuân, ông Ngân phun thuốc kích thích cho toàn bộ cam trong vườn ra hoa sớm, tránh được đợt nắng nóng, gió lào làm rụng hoa.
“Thường thì một năm tôi tiến hành khoanh vỏ 3 lần. Lần 1 sau thu hoạch. Khi cam bắt đầu ra quả thì tiến hành khoanh lần 2 để giữ quả. Vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6, tôi tiếp tục khoanh vỏ một lần nữa để cam phát triển không quá to... Việc khoanh vỏ rất quan trọng, nhất là đối với thời kì cam bắt đầu ra quả. Nếu để tự nhiên thì cam sẽ ra quả nhanh và rụng nhiều ảnh hưởng tới năng suất, thu nhập... Nếu ” ông Ngân cho hay.
Theo ông Ngân, kĩ thuật khoanh gốc, cành rất đơn giản. Đối với những cây khỏe chỉ cần khoanh mịn, vết khoanh không có mùn. Còn đối với cây yếu thì bắt buộc phải khoanh mở, lấy ra lớp vỏ bì rộng khoảng 1mm. Lần khoanh trước cách lần khoanh trước từ 2 – 3 cm... Sau khi khoanh khoảng 2 ngày, cần phải lấy ni lon buộc vết khoanh lại, tránh cây bị nhiễm bệnh, khô vỏ.
Cam Văn Yên có đặc điểm quả to, mọng, ngọt, ngon hơn hẳn cam trồng ở địa phương khác
Cũng nhờ biện pháp xiết nước bằng cách khoanh vỏ cộng với chăm sóc, bón phân phù hợp với từng thời điểm... mà năng suất, sản lượng cam của nhà ông Ngân tăng đột biến. Nếu như năm 2014, ông Ngân chỉ thu được khoảng 5 tấn quả trên diện tích 1 ha cam (cam đường và cam vinh), thì năm 2016, ông thu gần 30 tấn, bán với giá bình quân 30.000 đồng/kg. Như vậy, mỗi năm, ông Ngân thu gần 1 tỷ đồng từ 1 ha cam, trừ chi phí ông cũng lãi từ 500 – 600 triệu đồng.
Vì trồng theo tiêu chuẩn VietGap nên ông Ngân bán được giá cao, dao động từ 30.000 – 35.000 đồng/kg.
“Không nên khoanh vỏ kích thích ra hoa, đậu quả sai liên tục mà phải để cho cam được nghỉ ngơi. Nếu không sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cam. Sau 3 năm thu hoạch thì dừng việc khoanh gốc, cành mà để cho cam phát triển tự nhiên. Làm như vậy, thời gian cam cho thu hoạch mới kéo dài và bền vững được...” – ông Ngân cho biết thêm.
Cam Mường Thải, đặc biệt là cam trồng ở bản Văn Yên chất lượng hơn hẳn các nơi khác. Không chỉ đẹp về mẫu mã, quả căng mọng mà cam Văn Yên còn ngọt có tiếng trong vùng. Nhiều hộ dân ở bản Văn Yên nói riêng, xã Mường Thải nói chung đã và đang “phất lên” nhờ trồng cam. Trong cái sự "phất lên" đó có đóng góp không nhỏ nhờ kinh nghiệm xiết nước của lão nông Nguyễn Văn Ngân.
Theo Dân Việt
(Sưu tầm)