Đợt rét đậm rét hại, gây ra sương muối xảy ra ngày 5 đến ngày 6/2 vừa qua đã khiến nhiều diện tích cây ăn quả, hoa màu tại huyện Lạc Dương bị thiệt hại nặng nề. Để khắc phục thiệt hại và hạn chế tổn thất gây ra, ngành Nông nghiệp tỉnh cùng với UBND huyện Lạc Dương đang khẩn trương triển khai nhiều biện pháp xử lý.
Đợt sương muối vừa qua đã gây hại trên 470 ha cà phê và hoa màu của hơn 800 hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tổng thiệt hại ước khoảng 50 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Sa
Theo báo cáo nhanh của huyện Lạc Dương, trong các ngày 5 - 6/2 do nhiệt độ xuống thấp, trên địa bàn một số xã của huyện Lạc Dương đã xuất hiện đợt sương muối gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh trưởng của cây cà phê và một số hoa màu khác.
Đến thời điểm hiện tại, có gần 470 ha cà phê và hoa màu của hơn 800 hộ dân tại địa bàn 3 xã Đạ Chais, Đạ Nhim, Đạ Sar bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước khoảng 50 tỷ đồng. Trong số này, riêng cây cà phê bị thiệt hại hơn 434 ha với 375 ha bị thiệt hại từ 70% trở lên.
Cụ thể, tại xã Đạ Chais, tổng số hộ bị ảnh hưởng 287 hộ, tổng diện tích bị thiệt hại 198,84 ha, với 191,14 ha cà phê bị thiệt hại; tại xã Đạ Nhim, tổng số hộ bị ảnh hưởng 434 hộ, tổng diện tích bị thiệt hại 259,31 ha, với 233,18 ha cà phê bị thiệt hại và tại xã Đạ Sar, tổng số hộ bị ảnh hưởng 80 hộ, tổng diện tích bị thiệt hại 10,4 ha. Riêng thiệt hại về cây ăn quả, rau màu không đáng kể. Ước giá trị thiệt hại do đợt sương muối trên địa bàn huyện Lạc Dương trong các ngày qua khoảng 49,95 tỷ đồng.
Ông Sử Thanh Hoài, Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, đợt rét đậm kèm theo sương muối hoành hành khiến cây cà phê ở nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề. Những nương cà phê xanh mướt đang giai đoạn cho thu hoạch đã chuyển sang màu nâu sẫm, chết mòn do bị sương muối đốt cháy.
Thiệt hại về cây cà phê trong vụ thu hoạch năm nay đã thấy rõ, nhưng để cây cà phê có thể tái sinh, không bị chết đã được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn các biện pháp xử lý nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với hộ gia đình. Tùy theo từng mức độ thiệt hại của cây cà phê, cán bộ nông nghiệp đã hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phù hợp để áp dụng giúp cây sớm được phục hồi.
Trước tình hình trên, UBND huyện đã chỉ đạo cho các đơn vị vào cuộc cùng chính quyền các địa phương và người dân bị ảnh hưởng nhằm khẩn trương khắc phục thiệt hại ban đầu.
Hiện nay, giải pháp cấp bách đang được triển khai là ngăn không cho cây cà phê bị chết hoàn toàn. Đối với các diện tích cây bị thiệt hại nặng, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương cưa đốn, tránh để cây bị chết xuống rễ. Nếu kịp thời đốn tỉa, cây cà phê được tái sinh. Nhưng nếu không kịp thời, cây cà phê sẽ chết đến rễ và phải trồng mới.
Cùng với đó, trong thời gian chờ cây cà phê tái sinh, ngành nông nghiệp cũng vận động người dân trồng xen canh các cây ngắn ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây cà phê và có thu nhập tạm thời. Đồng thời, đơn vị cũng tiến hành rà soát diện tích bị ảnh hưởng, đề xuất với tỉnh sớm có giải pháp khắc phục và hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Lâm Đồng cho biết: Ngay sau khi có hiện tượng sương muối, các đơn vị liên quan đã cử cán bộ xuống trực tiếp hiện trường, tìm hiểu nguyên nhân và hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật nhằm chống rét và khắc phục thiệt hại cho cây cà phê.
Sở NN và PTNT tiếp tục phối hợp với UBND huyện Lạc Dương kiểm tra thực tế, xác định diện tích bị ảnh hưởng, mức độ thiệt hại cụ thể để đề xuất kinh phí hỗ trợ theo quy định. Đồng thời hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc nhằm phục hồi diện tích cây trồng bị ảnh hưởng mức độ nhẹ, trồng dặm hoặc trồng tái canh đối với những diện tích bị thiệt hại không thể khôi phục (bị thiệt hại trên 70%).
Về lâu dài, cần có các giải pháp trong việc phòng, chống rét đậm rét hại, sương muối, băng giá đối với cây cà phê, chú trọng đến những vùng có nhiều diện tích cây cà phê thường xuyên bị sương muối gây hại.
Trước mắt, Sở NN và PTNT bố trí kinh phí từ chương trình nông nghiệp công nghệ cao kế hoạch năm 2020 để hỗ trợ huyện Lạc Dương lắp đặt một số trạm cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để có cảnh báo sớm về tình hình diễn biến thời tiết, từ đó khuyến cáo người dân các biện pháp phòng tránh từ sớm, giảm thiệt hại.
Thanh Sa (Báo Lâm Đồng)