Kiên Giang: Đánh giá giống lúa cao sản

19/02/2019, 14:30 (GMT+7)

Theo ý kiến đóng góp của nông dân, hiện tiêu chí hàng đầu khi họ chọn giống lúa để canh tác chính là đáp ứng tốt thị trường đầu ra, bán được giá cao, tiếp đến mới là tính thích nghi, chống chịu sâu bệnh… 

Tại Trại Giống Nông nghiệp Mỹ Lâm (xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, Kiên Giang), Trung tâm Giống nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang vừa tổ chức hội thảo đánh giá giống lúa cao sản vụ ĐX 2018-2019, với sự tham dự của gần 200 đại biểu là lãnh đạo ngành nông nghiệp, các trung tâm, doanh nghiệp, đại lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng và nông dân.

Đại biểu tham quan thực tế đồng ruộng để đánh giá bình chọn giống lúa cao sản

Tham dự hội thảo, đại biểu đã được nghe các kỹ sư của Trung tâm trình bày về kết quả nghiên cứu, chọn tạo giống lúa mới, các đặc tính sinh học của một số giống lúa đang được bà con quan tâm. Riêng bộ giống GKG do Trung tâm nghiên cứu chọn tạo, từ những giống ban đầu GKG 1, GKG 5, GKG 9... đã phát triển đến GKG 29, GKG 34, GKG 35, GKG 45… Trong đó, có một số giống đã được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận chính thức, với các đặc tính chống chịu phèn, mặn khá, kháng sâu bệnh, năng suất cao, hạt gạo dài đạt tiêu chuẩn xuất khẩu…

Theo ý kiến đóng góp của nông dân, hiện tiêu chí hàng đầu khi họ chọn giống lúa để canh tác chính là đáp ứng tốt thị trường đầu ra, bán được giá cao, tiếp đến mới là tính thích nghi, chống chịu sâu bệnh… Bởi với trình độ thâm canh lúa ngày càng cao, nông dân hoàn toàn có thể điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, phòng chống dịch bệnh hiệu quả để đạt được năng suất cao.

Trước khi diễn ra hội thảo, các đại biểu đã được tham quan, đánh giá thực tế ruộng chuyên sản xuất lúa giống của trại, với hàng chục giống lúa do Trung tâm tự nghiên cứu, chọn tạo và của các Viện, trường, doanh nghiệp gửi khảo nghiệm. Qua đó, nông dân đã đánh giá, bình chọn, trong đó 8 giống lúa được bình chọn cao nhất, gồm: GKG 31, GKG 42, GKG 41, GKG 40, GKG 45, OM 429, OM 22 và GKG 43.

Đ.T.CHÁNH