Kiếm trăm triệu từ cây trúc sào

Cây trúc sào giúp nhiều hộ dân huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng thu về hàng trăm triệu đồng, đem lại cuộc sống no ấm.

Dọc theo quốc lộ 34 từ huyện Nguyên Bình tới huyện Bảo Lạc, cây trúc sào được trồng bạt ngàn dọc hai bên đường, trên thung lũng, sườn đồi. Huyện Nguyên Bình là vùng đất thích hợp cho cây trúc phát triển. Trúc sào trồng ở đây có đặc điểm thân thẳng, to, tròn đều, dễ uốn nên được các cơ sở sản xuất rất ưa chuộng. Những năm gần đây, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tận dụng những khe núi, đất đồi để đưa cây trúc vào trồng, mở rộng diện tích.

Đường về huyện Nguyên Bình tràn ngập cây trúc sào.

Đường về huyện Nguyên Bình tràn ngập cây trúc sào.

Ông Đinh Văn Duyệt, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nguyên Bình cho biết: Trước đây, bà con vẫn trồng theo lối truyền thống, không tập trung, chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2000 đến nay, huyện hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc trúc sào. Được người dân hưởng ứng, nhiều vùng đất trống, khu đồi bỏ hoang đã được phủ màu xanh của trúc sào. Năm 2010, huyện đưa cây trúc vào chương trình sản xuất hàng hóa nông lâm nghiệp, xác định đây là cây trồng chính để xóa đói giảm nghèo.

Xã Ca Thành có 100% xóm đều trồng trúc sào với diện tích tập trung hơn 540 ha, trong đó 400 ha cho khai thác. Đa số các hộ dân trồng từ 1 - 3 ha, nhiều gia đình có từ 3 - 10 ha trúc. Ông Lý Phương Sinh, xóm Xà Pèng, xã Ca Thành chia sẻ: Gia đình tôi trồng trúc hơn 20 năm rồi. Từ diện tích nhỏ lẻ, đến nay, đã mở rộng trồng hơn 10 ha, mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng. Ngoài trồng trúc, tôi còn đứng ra thu mua sản phẩm của bà con để bán lại cho thương lái.

Mỗi xe trúc sào có giá trị bằng cả tấn thóc.

Mỗi xe trúc sào có giá trị bằng cả tấn thóc.

Từ những diện tích trồng nhỏ lẻ tự phát, huyện Nguyên Bình khảo sát, đánh giá hiệu quả của trúc sào, lựa chọn trồng tại những vùng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, hình thành vùng sản xuất tập trung.

Vùng trồng và phát triển trúc sào tập trung tại các xã: Ca Thành, Vũ Nông, Yên Lạc, Triệu Nguyên, Lang Môn, Thành Công, Phan Thanh... Đến nay, diện tích trúc sào của huyện Nguyên Bình đạt 2.160 ha, trong đó đang cho khai thác trên 1.700 ha... Nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Trúc sào Nguyên Bình được sử dụng làm chiếu trúc xuất khẩu.

Trúc sào Nguyên Bình được sử dụng làm chiếu trúc xuất khẩu.

Ông Hà Ngọc Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình cho biết, trúc sào là cây trồng thế mạnh để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Huyện sẽ tập trung phát triển hạ tầng giao thông để người dân có thể dễ dàng chăm sóc và khai thác. Mục tiêu chính của huyện là tiếp tục mở rộng diện tích trồng mỗi năm khoảng 100 ha, đưa trúc sào trở thành cây trồng hàng hóa có giá trị.

Công Hải