Không sử dụng sắn nhiễm bệnh khảm lá làm giống

Tỉnh Phú Yên khuyến nghị người dân không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng, trong đó nghiêm cấm việc mua bán, trồng giống sắn HLS11 ở các vụ sau.

Diện thích sắn ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, Phú Yên bị bệnh khảm lá khi vừa mới trồng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Diện thích sắn ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, Phú Yên bị bệnh khảm lá khi vừa mới trồng. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

4 năm sắn đều nhiễm bệnh

Nông dân Phú Yên đang thu hoạch rộ sắn niên vụ 2020 - 2021, nhưng do bệnh khảm lá virus gây hại nên sắn ít củ. Hơn nữa, sắn trồng niên vụ 2021 - 2022 tại Phú Yên vừa ra lá non đã bị nhiễm bệnh khảm lá, chậm phát triển, nhưng không đủ giống sắn mới trồng thay thế.

Thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, niên vụ 2021 - 2022, nông dân trong tỉnh trồng 12.854ha sắn, trong đó tại huyện Sông Hinh 6.500ha, Đồng Xuân 2.700ha, Sơn Hòa 2.100ha, Tây Hòa và  Tuy An 41ha.

Sắn hiện đang giai đoạn cây con, nhưng bệnh khảm lá virus đã gây hại với diện tích 2.380ha, trong đó nhiễm nặng 1.210 ha. Đây là năm thứ 4 liên tiếp bệnh khảm lá virus gây hại vùng trồng sắn trong tỉnh Phú Yên.

Sắn bị bệnh khảm lá, nông dân thu hoạch năng suất giảm. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Sắn bị bệnh khảm lá, nông dân thu hoạch năng suất giảm. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Tại huyện Sông Hinh, bệnh khảm lá virus hại sắn phát sinh gây hại diện tích 700ha, giai đoạn sinh trưởng mầm, rải rác ở các xã trong huyện. Tương tự, tại huyện Tây Hòa, bệnh gây hại với diện tích nhiễm nặng 550ha ở diện tích cây con trên các vùng trồng sắn nhiều xã trên địa bàn huyện. Còn tại huyện Đồng Xuân, bệnh khảm lá virus gây hại lây lan với diện tích 900ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 238ha giai đoạn cây con phát triển thân, lá.

Tại huyện Sơn Hòa, bệnh khảm lá virus gây hại lây lan với diện tích 230ha. Diện tích nhiễm trung bình 50ha, chủ yếu giai đoạn cây con phát triển thân, lá, tập trung tại các xã KRông Pa, Ea Chà Rang, Suối Trai, Sơn Phước, Sơn Hội, Phước Tân, Cà Lúi, Sơn Nguyên, Suối Bạc và thị trấn Củng Sơn.

Ông Nguyễn Văn Thành, ở xã Suối Bạc, cho hay, gia đình ông trồng 2 sào sắn, hiện sắn ra 3 lá non nhưng lá sắn thun lại, cây không lên cao mà yếu ớt. Hỏi thăm nhiều người mới biết sắn bị bệnh khảm lá.

Ông Nguyễn Văn Cường, ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân phân trần, niên vụ vừa qua, sắn nhà ông trồng bị bệnh khảm lá. Do không có cây giống, thu hoạch xong ông vẫn phải trồng lại (niên vụ 2021 - 2022) nên bệnh khảm lá tiếp tục “hành hạ”.

“Vừa qua, Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân có mang lên đám sắn nhà tôi 3 cây sắn giống mới, chặt ra được 10 hom, trồng thử nghiệm giống sắn mới không bị bệnh khảm lá. Giống sắn mới ít quá nên khó nhân giống đủ số lượng cho vụ tiếp theo”. Ông Cường tâm sự.

Nghiêm cấm việc mua bán, trồng giống sắn HLS11

Theo ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, nguyên nhân chính bệnh khảm lá virus gây hại các vùng trồng sắn trên địa bàn tỉnh là do nông dân sử dụng giống sắn đã nhiễm bệnh. Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã tuyên truyền vận động thông qua các lớp tập huấn không sử dụng giống nhiễm bệnh trồng. Khi sắn nhiễm bệnh, để phòng chống trước mắt phải tiêu hủy diện tích sắn đã bị nhiễm.

Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT Phú Yên, niên vụ sắn 2021 - 2022, diện tích sắn là 18.000ha. Bệnh khảm lá virus hiện đã gây hại với diện tích 4.056ha, trong đó, niên vụ 2020 - 2021 (sắn ra củ chưa thu hoạch), bệnh khảm lá gây hại 1.676ha, niên vụ 2021-2022, bệnh khảm lá virus gây hại với diện tích 2.380ha.

Thiếu sắn giống, nông dân huyện Đồng Xuân trồng sắn nhiễm bệnh. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

Thiếu sắn giống, nông dân huyện Đồng Xuân trồng sắn nhiễm bệnh. Ảnh: Mạnh Hoài Nam.

T.S Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, UBND tỉnh Phú Yên vừa có chỉ thị yêu cầu Sở phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh khảm lá sắn theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN- PTNT).

Theo đó, điều tra phát hiện bệnh khảm lá sắn trên địa bàn tỉnh, nếu phát hiện bệnh khoanh vùng, tổ chức hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng trừ bệnh khảm lá sắn theo đúng quy trình, nhằm ngăn chặn sự lây lan sang các vùng khác và các vụ sản xuất sau. Tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn người trồng sắn về cách nhận biết và quản lý biện pháp phòng trừ triệt để bệnh khảm lá sắn.

Đặc biệt, cần tăng cường hướng dẫn các cơ sở sản xuất, người dân không trồng các giống sắn đã xác định nhiễm bệnh nặng, trong đó nghiêm cấm việc mua bán, trồng giống sắn HLS11 ở các vụ sau.

Xây dựng các mô hình phòng, chống bệnh khảm lá, các mô hình sản xuất giống sắn sạch bệnh để hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân thực hiện. Bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh khảm lá sắn.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, bệnh khảm lá virus hại sắn là loại bệnh nguy hiểm. Bệnh lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống nên có nguy cơ gây hại nghiêm trọng làm giảm năng suất, chất lượng sắn và hiện nay chưa có thuốc phòng trừ nên giải pháp phòng, trừ chủ yếu là phải dùng các giống sắn sạch bệnh.

Mạnh Hoài Nam