HẢI PHÒNG - Từ nguy cơ bị tuyệt chủng, Hải Phòng đã xây dựng đề án và khôi phục thành công giống cam 'tiến vua' Đồng Dụ với số lượng hàng nghìn cây từ 2 gốc già yếu.
Cam quý từ thời nhà Trần
Theo các nghiên cứu, giống cam ở làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng là một trong những giống cam quý, được trồng cách đây khoảng 800 năm từ thời nhà Trần với hai loại, cam Chanh và cam Đường.
Trong đó, cam Chanh có thành cao, vỏ dày, dưới đáy quả có một vùng tròn nên gọi là cam “đồng tiền”. Quả cam Chanh to bằng ấm pha nước chè, tép nhỏ, có màu hơi hồng, mọng nước, có vị ngọt, khi chín vỏ có màu vàng tươi.
Cơ quan chuyên môn khảo sát cây cam Đồng Dụ hiếm hoi tại vườn nhà ông Nguyễn Sinh Xúy, xã Đặng Cương. Ảnh: Đinh Mười.
Còn cam Đường quả nhỏ, bằng chén uống nước trà, thấp thành, vỏ mỏng, nhiều tinh dầu thơm, khi chín giống như cam giấy, khi ăn cam có vị ngọt thanh, dịu, là sản phẩm dùng để tiến vua.
Theo người dân địa phương, cam Đồng Dụ cho quả vụ đầu 5 - 7 quả/cây, sau đó số quả tăng dần, đến khi trưởng thành cho năng suất 50 - 70 quả/cây/năm và cho quả liên tục trong hàng chục năm.
Trước đây, để có cam tiến vua, làng đã tổ chức phân công dân làng trồng và lựa chọn cam theo hướng chuyên nghiệp, người chọn giống, người trồng, người chăm sóc.
Trong khâu chăm bón, người dân sử dụng bột đậu tương, ruột ốc bụt ngâm để bón cây, khâu chọn cam được tổ chức vào dịp giáp Tết Nguyên Đán do những bậc cao niên, chức sắc chọn để tiến vua. Từ chỗ là cây trồng chủ lực, là đặc sản dùng để tiến vua nhưng do nhiều lý do khách quan, đến giữa Thập niên 90 của Thế kỷ 20, cả làng Đồng Dụ chỉ còn hơn 10 hộ trồng hai loại cam này.
Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/khoi-phuc-thanh-giong-cam-tien-vua-tu-thoi-tran-d345397.html