Dịch COVID-19 đã buộc người trồng hoa ở Hà Lan phải đem lứa hoa đẹp làm phân bón. Đây là lứa hoa trồng đón đầu nhu cầu mua hoa cao điểm trước Ngày của Mẹ ở các nước châu Âu.
Hoa tập kết ở nhà kho Aalsmeer ở Hà Lan ngày 16-3-2020 - Ảnh: Reuters
Hiệp hội hoa Hà Lan cảnh báo nhiều thành viên có thể bị phá sản trong tương lai không xa, thậm chí chỉ vài tuần sắp tới, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu mua hoa sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Steven van Schilfgaarde - Giám đốc của Hiệp hội hoa Hoàng gia Hà Lan, cho biết: "Tình hình thị trường rất thê thảm, giá hoa đã giảm gần một nửa".
Ngày 13-3, Hội này phải huỷ 20% lượng hoa tồn dư vì không có người mua. Dự báo, trong những tuần tiếp theo tình hình sẽ càng tệ hại.
Bình thường, giai đoạn này đang là cao điểm của các giao dịch bán hoa vì Ngày của Mẹ ở Vương quốc Anh và Ireland được tổ chức vào ngày 22-3. Sau đó, Chủ nhật thứ hai của tháng 5 (ngày 10-5-2020) cũng là ngày thị trường hoa sôi động vì là Ngày của Mẹ ở Mỹ.
Theo hãng tin Reuters, Hiệp hội hoa Hà Lan đấu giá khoảng 30 triệu hoa chậu và hoa cắt cành mỗi ngày, trị giá khoảng 9,8 triệu USD.
Ngành công nghiệp hoa ở Hà Lan tạo việc làm cho 150.000 lao động và chiếm khoảng 35% lượng hoa cắt cành và hoa chậu xuất khẩu trên toàn cầu. Thị trường này trị giá 6,2 tỉ euro/năm.
Công viên hoa Keukenhof - một điểm du lịch nổi tiếng của Hà Lan, đón hơn 1 triệu du khách mỗi năm cho biết họ sẽ không mở cửa vườn hoa cho đến ít nhất là tháng 4-2020.
Trong khi đó, Kenya - vùng trồng hoa xuất khẩu, chủ yếu cho Hà Lan, mỗi trang trại đã phải trả hàng chục nông dân về nhà.
Hàng ngàn người bắt đầu mất việc do ảnh hưởng của COVID-19 ở Kenya.
Các chuyến bay bị hủy và sự xuống dốc của sàn đấu giá hoa ở Hà Lan do tình hình dịch bệnh COVID-19, buộc nông dân đã phải vứt bỏ lượng hoa trị giá khoảng 10 triệu shillings (tiền Kenya) và đóng cửa nhiều bộ phận.
Hồng Vân (Báo Tuổi Trẻ)