Gỡ khó cho nông dân trồng khoai lang

Đồng Tháp đề nghị huyện Châu Thành phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, hội quán, địa phương... cùng chung tay hỗ trợ kết nối, tiêu thụ khoai lang cho nông dân.

Tính đến đầu tháng 6/2021, tổng diện tích khoai lang tím Nhật tại huyện Châu Thành (Đồng Tháp) còn trên ruộng 266 ha, với sản lượng 8.494 tấn, tập trung các xã Hòa Tân, Phú Long, Tân Phú.

Hiện nay, tình hình tiêu thụ khoai đang gặp nhiều khó khăn, giá bán không bù được chi phí thu hoạch, thương lái thu mua số lượng rất ít. Nông dân sản xuất tự phát, thiếu liên kết và không có sự gắn kết chặt chẽ với các đơn vị tiêu thụ, chủ yếu do thương lái thu mua và xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.

Để hỗ trợ người dân Châu Thành, những ngày qua nhiều doanh nghiệp, HTX, các hệ thống các siêu thị đã và đang kết nối, tiêu thụ khoai lang cho bà con nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để hỗ trợ người dân Châu Thành, những ngày qua nhiều doanh nghiệp, HTX, các hệ thống các siêu thị đã và đang kết nối, tiêu thụ khoai lang cho bà con nông dân. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để hỗ trợ người dân Châu Thành, những ngày qua nhiều đơn vị như HTX Đặc sản Đồng Tháp, Câu lạc bộ Doanh nhân Đồng Tháp tại TP.HCM, Thành đoàn TP.HCM, Nhóm Cấy nền giao thương Đồng Tháp và hệ thống các siêu thị đã và đang kết nối, tiêu thụ khoai lang cho nông dân. Tuy nhiên, sản lượng khoai lang vẫn còn rất lớn.

Trước mắt, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu huyện Châu Thành phối hợp với các ngành, đoàn thể, địa phương, doanh nghiệp cùng chung tay hỗ trợ kết nối, tiêu thụ khoai lang cho nông dân, cấp xã, cấp huyện và hội quán, HTX sản xuất khoai lang, nông dân tại địa phương phải cùng vào cuộc, khẩn trương cung cấp đủ sản lượng khoai theo đơn đặt hàng.

Về lâu dài, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị nông dân phải tổ chức lại sản xuất, trong đó sản xuất phải gắn kết với doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng diện tích đạt tiêu chuẩn an toàn, xây dựng thương hiệu khoai lang Châu Thành. Đồng thời nâng cao khả năng chế biến khoai lang của các HTX sau thu hoạch.

Ngành nông nghiệp cần xây dựng bản đồ nông nghiệp đối với mặt hàng nông sản, nhất là ngành hàng tái cơ cấu và yêu cầu bản đồ nông nghiệp phải cập nhật sản lượng, diện tích sản xuất, thời điểm thu hoạch. Từ đó có sự kiểm soát, kết nối tiêu thụ kịp thời cũng như đưa ra khuyến cáo giúp nông dân sản xuất bền vững hơn.

LÊ HOÀNG VŨ