09/07/2018, 13:50 (GMT+7)
VN08-270 là giống mía mới, vừa được công nhận cho sản xuất thử tại vùng Tây Nam bộ theo Quyết định số 90/QĐ-TT-CCN ngày 27/4/2018 của Cục Trồng trọt.
Giống mía VN08-270 tại Sóc Trăng |
Giống mía này được Viện Nghiên cứu Mía đường chọn tạo bằng phương pháp lai hữu tính từ cây mẹ là giống mía QĐ21 và cây bố là giống mía K95-156 theo phương thức thụ phấn kín.
Giống mía QĐ21 có nguồn gốc từ Trung Quốc, có hình thái đẹp, thân to, sinh trưởng mạnh, tốc độ sinh trưởng nhanh, làm lóng sớm, tái sinh gốc tốt, ít đổ ngã, trổ cờ ít, cho năng suất và chất lượng cao.
Giống mía K95-156 có nguồn gốc từ Thái Lan, thân to, chắc và nặng cây, chống chịu sâu đục thân tốt, không bị trắng lá, ít bị đổ ngã, năng suất và chất lượng cao, ổn định.
Giống mía VN08-270 đã được sơ tuyển và tuyển chọn qua các bước chọn dòng (bước I và bước II) tại Bình Dương, sau đó được đưa đi khảo nghiệm giống tại Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng từ năm 2013 - 2017.
Kết quả sơ tuyển cho thấy giống mía VN08-270 có dáng bụi xòe; dáng ngọn chụm xiên, hình thái đẹp; thân cây trung bình có màu xanh ẩn vàng, dãi nắng có màu vàng, có nhiều sáp trắng che phủ.
Cây to trung bình, đều, chắc, không bị bấc ruột; lóng hình trụ, nối thẳng, lóng gốc sít trung bình, không có rễ phụ. Mắt mầm nhỏ, hình tròn, dẹt, nằm cách sẹo lá, đỉnh mầm có chùm lông, cánh mầm đóng ở nửa trên của mầm; rãnh mầm hẹp, sâu và dài.
Đai sinh trưởng hẹp, lồi, màu vàng trong. Đai rễ có 2 - 3 hàng điểm rễ, điểm rễ rõ. Bẹ lá màu xanh ẩn vàng, có sáp phủ, có nhiều lông; mép bẹ lá bị khô, không bị nứt. Phiến lá có màu xanh đậm; rộng trung bình, dài, dày và cứng; mép lá sắc. Có hai tai lá ngắn, một hình tam giác, một hình cựa, lá thìa ngắn.
Có tiềm năng năng suất suất và chất lượng cao với khối lượng cây khá cao, mật độ cây hữu hiệu cao, Bx ngoài đồng trên 21%, chống chịu sâu bệnh hại, không đổ ngã và không trổ cờ.
Trong các bước chọn dòng, giống mía VN08-270 đạt năng suất trên 100 tấn/ha, chữ đường 11,30 - 11,95 CCS, chống chịu sâu bệnh tốt, ít trổ cờ. So với đối chứng VN84-4137, giống mía VN08-270 tương đương về mật độ cây hữu hiệu, cao hơn về khối lượng cây do có chiều cao cây và đường kính thân cao hơn, do đó có năng suất vượt trên 12%; tương đương về chữ đường và cao hơn trên 10% về năng suất quy 10 CCS.
Kết quả khảo nghiệm giống tại vùng Tây Nam bộ đã chỉ ra giống mía VN08-270 có khả năng mọc mầm trung bình, khi gặp điều kiện không thuận lợi mọc mầm hơi chậm, cây mầm khỏe, đẻ nhánh khá mạnh, tái sinh gốc tốt, vươn lóng sớm, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đổ ngã nhẹ, mật độ cây hữu hiệu cao, năng suất và chữ đường cao, chín trung bình (12 - 13 tháng tuổi), khả năng thích ứng rộng, bao gồm cả chân ruộng ngập úng, nhiễm phèn và mặn nhẹ, chịu thâm canh cao.
Tại Bến Tre, giống mía VN08-270 đạt năng suất trên 119 tấn/ha, chữ đường trên 11 CCS, năng suất quy 10 CCS trên 130 tấn/ha, vượt xấp xỉ 15% so với đối chứng K84-200.
Tại Hậu Giang, giống mía VN08-270 đạt năng suất trên 110 tấn/ha, chữ đường trên 11 CCS, năng suất quy 10 CCS trên 120 tấn/ha, vượt trên 15% so với đối chứng K84-200.
Tại Sóc Trăng, giống mía VN08-270 đạt năng suất trên 115 tấn/ha, chữ đường trên 11 CCS, năng suất quy 10 CCS trên 130 tấn/ha, vượt trên 16% so với đối chứng K84-200. Tuy nhiên, giống mía VN08-270 có nhược điểm trổ cờ sớm với mức độ trung bình nên thời vụ trồng thích hợp là vụ cuối mưa (từ tháng 11 đến tháng 1 năm sau) để mía có đủ thời gian sinh trưởng, đạt chiều cao cây tối đa, không bị ảnh hưởng đến năng suất.
Viện Nghiên cứu Mía đường khuyến cáo các nhà máy đường bổ sung giống mía VN08-270 vào cơ cấu giống sản xuất hiện nay và khuyến khích nông dân khai thác, sử dụng giống này tại vùng Tây Nam bộ để góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả sản xuất, ổn định nguồn nguyên liệu cho các nhà máy đường. |
KS. NGUYỄN CHUYÊN THUẬN
(Tùng Linh APC - sưu tầm)