Gieo cấy vụ đông xuân phía Bắc xong trước 28/2

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương phía Bắc, nhất là vùng ĐBSH cần đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, đảm bảo hoàn thành trước ngày 28/2.

Ngày 19/2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đã kiểm tra, đôn đốc nhằm đảm bảo tiến độ triển khai gieo cấy vụ đông xuân 2020 – 2021 tại các tỉnh phía Bắc, nhất là trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Thời cơ cho lúa gạo Việt Nam

Tại tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh cho biết đến ngày 19/2, công tác làm đất đã hoàn thành, nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2020 – 2021 được đảm bảo. Toàn tỉnh hiện đã gieo cấy được khoảng 50 nghìn ha lúa, chiếm gần 70% diện tích theo kế hoạch. Dự kiến đến ngày 25/2, toàn tỉnh lúa Thái Bình sẽ hoàn tất việc gieo cấy vụ đông xuân 2020 – 2021 đảm bảo tiến độ theo lịch thời vụ của Bộ NN-PTNT.

Những ngày qua, thời tiết rất thuận lợi, giúp tiến độ triển khai gieo cấy diễn ra khẩn trương. Các diện tích lúa xuân mới gieo cấy đều sinh trưởng phát triển tốt…

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ trái sang) thăm và kiểm tra công tác triển khai gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021 tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Lê Bền

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ trái sang) thăm và kiểm tra công tác triển khai gieo cấy vụ đông xuân 2020 - 2021 tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Lê Bền

Ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, mặc dù trên địa bàn tỉnh Thái Bình thời gian qua đã có các trường hợp F1 phải cách ly dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên tỉnh vẫn chưa ghi nhận trường hợp dương tính với Covid-19.

Đến thời điểm này, các diện tích cây vụ đông của Thái Bình cũng đã căn bản được thu hoạch, việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi, được giá, chưa có các khó khăn, ách tắc trong tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19…

Kiểm tra công tác triển khai gieo cấy vụ đông xuân 2020 – 2021 tại tỉnh Thái Bình, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Hiện nay, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã tác động tới hoạt động sản xuất, thương mại lương thực trên thế giới. Tuy nhiên, đây cũng đang là cơ hội mở ra cho Việt Nam nếu chúng ta vượt qua được khó khăn để tổ chức sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu.

Hiện lúa đông xuân vùng ĐBSCL đã phát triển thuận lợi, dự kiến sẽ được mùa. Hiện khoảng 400 nghìn ha lúa đông xuân vùng ĐBSCL đã thu hoạch. Bên cạnh đó, giá gạo xuất khẩu cũng đang ở mức rất tốt (giá lúa ở ĐBSCL đang ở mức bình quân lên tới 7.000 đ/kg). Lượng gạo xuất khẩu các tháng đầu năm 2021 cũng rất thuận lợi, tăng 30-35% so vùng cùn kỳ năm trước. Đây là thời cơ rất tốt cho ngành lúa gạo nước ta trong thời gian tới.

Vì vậy, các tỉnh phía Bắc nói chung, nhất là vựa lúa vùng ĐBSH cần phải có những giải pháp chỉ đạo sản xuất nhằm đảm bảo thắng lợi sản xuất lúa, trước mắt là vụ đông xuân 2020 – 2021.

Với diễn biến thời tiết đang thuận lợi, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương phía Bắc, trong đó nhất là vùng ĐBSH cần tập trung gieo cấy khẩn trương, hoàn thành trước ngày 28/2.

Lan tỏa mạ khay – máy cấy

Về gieo cấy vụ đông xuân 2020 – 2021, ông Lại Văn Hoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh đã có những chủ trương, chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng máy cấy, mạ khay nhằm tăng mạnh diện tích gieo cấy, giảm diện tích gieo sạ ở vụ đông xuân theo chủ trương của Bộ NN-PTNT. Theo đó, UBND tỉnh đã hỗ trợ kinh phí với mức 40 triệu đồng/máy cấy cho các tổ chức, cá nhân mua máy cấy.

Áp dụng mạ khay - máy cấy đang được đẩy mạnh tại nhiều địa phương tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Lê Bền

Áp dụng mạ khay - máy cấy đang được đẩy mạnh tại nhiều địa phương tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Lê Bền

Nhờ đó đến nay, tỉ lệ diện tích lúa đông xuân cấy bằng mạ khay – máy cấy của tỉnh Thái Bình hiện đã đạt khoảng 10 nghìn ha, chiếm trên 20% tổng diện tích gieo cấy. Trong tỉnh cũng đã hình thành được các câu lạc bộ, tổ hợp tác dịch vụ mạ khay – máy cấy, qua đó giúp tiến độ cấy lúa đông xuân diễn ra nhanh và tập trung hơn.

Đặc biệt tại huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình), hiện đã hình thành được các câu lạc bộ dịch vụ mạ khay – máy cấy quy mô khá lớn, hoạt động hợp tác rất quy củ trong sản xuất tại nhiều xã như Bình Minh, Vũ Hòa…

Điển hình như tại xã Bình Minh (huyện Kiến Xương), hiện tổ dịch vụ mạ khay – máy cấy của anh Đặng Văn Quang đã đảm nhiệm bao ‘trọn gói’ từ khâu mua giống, gieo mạ khay, cấy máy cho diện tích trên 100 ha trong xã. Theo đó, nông dân chỉ phải trả chi phí khoảng 250 nghìn đồng/sào cho toàn bộ các khâu này.

Hiện nay, nông dân tại Thái Bình đang phải thuê cấy với mức tiền công khoảng 300 nghìn đồng/sào. Vì vậy với mức giá dịch vụ mạ khay – máy cấy trọng gói (đã bao gồm cả tiền giống) chỉ khoảng 250 nghìn đồng, nông dân hết sức ủng hộ tham gia.

‘Trước đây, do thiếu lực lượng lao động nên nhiều diện tích đất lúa trong xã bị bỏ hoang, tuy nhiên từ khi có dịch vụ mạ khay – máy cấy, trong xã gần như không còn diện tích bỏ hoang’, anh Đặng Văn Quang cho biết.

Để khai thác tối đa công suất của máy cấy, hiện tại huyện Kiến Xương cũng đã thành lập được câu lạc bộ dịch vụ mạ khay – máy cấy với khoảng 20 thành viên. Điều này giúp việc cấy lúa diễn ra nhanh và tập trung hơn nhờ có sự phối hợp, huy động máy cấy của các thành viên trong câu lạc bộ.

Máy cấy đã giúp giải quyết bài toán thiếu lao động, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Ảnh: Lê Bền

Máy cấy đã giúp giải quyết bài toán thiếu lao động, đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Ảnh: Lê Bền

Tương tự tại xã Vũ Hòa (huyện Kiến Xương), hiện đã có tổng cộng 11 máy cấy dịch vụ, có năng lực phục vụ cấy máy cho khoảng trên 100 ha toàn xã…

Không chỉ đẩy nhanh áp dụng mạ khay – máy cấy, hiện phong trào tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn ở Thái Bình cũng đã có sự lan tỏa nhanh chóng. Theo UBND tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh hiện đã thành lập được Câu lạc bộ Đại điền, với số lượng trên 700 thành viên. Các thành viên trong câu lạc bộ là những nông dân tích tụ từ 20 ha trở lên…

Với chủ trương đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa, trong đó nhất là mạ khay – máy cấy, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết hiện nay, việc đẩy mạnh nâng số lượng máy cấy rất thuận lợi. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn đang là khâu làm mạ khay, trong đó có việc làm giá thể gieo mạ.

Hiện Bộ NN-PTNT đã giao các đơn vị khoa học trong Bộ, khẩn trương nghiên cứu phương pháp sản xuất giá thể phục vụ cho gieo mạ khay một cách tốt nhất, thuận lợi nhất, giá thành rẻ nhất nhằm tạo điều kiện lan tỏa nhanh hơn nữa việc áp dụng mạ khay – máy cấy trong sản xuất lúa…  

LÊ BỀN