Mới đây, Hải Dương đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp 23 mã vùng trồng vải xuất khẩu đi Nhật Bản, Mỹ, Australia với tổng diện tích 198,7 ha tại huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh.
Tiếp nhận thông tin này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương có gửi công văn đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo ở vùng vải xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản, Mỹ, Australia và EU.
Vườn vải U hồng của gia đình ông Lê Hồng Hải ở thôn Phúc Giới, xã Thanh Bính, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương.
Tỉnh Hải Dương hiện có trên 10.000 ha vải, tập trung ở huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh; trong đó, 80% vải Hải Dương đã được sản xuất theo quy trình VietGAP.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, tại các vùng được cấp mã số vùng trồng, vải đang trong giai đoạn nở hoa và quả non, cây sinh trưởng và phát triển tốt, nông dân đang tập trung chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh.
Để đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của quả vải đối với các nước nhập khẩu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh chỉ đạo cơ quan chuyên môn và cấp xã tăng cường phổ biến các quy định của Mỹ, Australia và Nhật Bản đối với quả vải.
Đồng thời, phân công cán bộ bám sát vùng trồng, tập huấn, hướng dẫn nông dân chăm sóc vải đúng theo quy định. Đối với các vườn vải thiều, nông dân phải dọn vườn sạch sẽ, thu gom túi nilon và bao bì thuốc bảo vệ thực vật về đúng nơi quy định; không thả gia súc, gia cầm trong vườn vải. Đồng thời, làm tốt dự báo về các đối tượng sau bệnh hại vải, đặc biệt là các loại ruồi đục quả phương đông, sâu đục cuống quả, bệnh thán thư, bệnh sương mai.
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp có vùng trồng và cơ sở đóng gói vải xuất khẩu các quy định của Nhật Bản và tiêu chuẩn của các thị trường khác như Mỹ, Australia, EU, Trung Quốc. Ký cam kết với các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhất là ở những vùng được cấp mã số và vùng vải VietGAP.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương đề nghị các địa phương và Chi cục Bảo vệ thực vật Hải Dương tăng cường thanh kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng hoặc ngoài danh mục cho phép.
Thương lái thu mua vải Thanh Hà.
Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật cho biết, Chi cục đã sớm triển khai thông báo tới các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản.
Đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức 3 cuộc tập huấn cho cán bộ chính quyền các địa phương về triển khai quy định xuất khẩu vải đi các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU. Cùng với đó, Chi cục cũng đã xây dựng quy trình hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân ở các địa phương được cấp mã số vùng trồng.
"Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) mới đây cam kết sẽ cử cán bộ xuống để cùng hỗ trợ Hải Dương trong việc thực hiện các quy trình đưa quả vải thiều đi Nhật Bản", bà Kiểm thông tin.
Huyện Thanh Hà hiện có 3.503 ha vải; trong đó, vải thiều chính vụ khoảng hơn 1.900 ha. Đến nay, Thanh Hà đã có 400 ha vải cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Theo đại diện lãnh đạo huyện Thanh Hà, huyện đang tiếp tục tuyên truyền cho nông dân áp dụng quy trình VietGAP vào sản xuất để đảm bảo nông sản sạch đủ điều kiện xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cũng đã xây dựng Kế hoạch mở rộng vùng sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế và hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản năm 2020 trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương cho ý kiến. Theo kế hoạch, Hải Dương sẽ lựa chọn, xây dựng 23 vùng trồng vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 220 ha.
Cùng với đó, sẽ đào tạo, tập huấn về quản lý, giám sát và duy trì mã số vùng trồng cho cán bộ cơ sở, chủ cửa hàng kinh doanh vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nông dân vùng trồng; vận hành hệ thống tiêu chuẩn OTAS trong quản lý mã số vùng trồng vải theo tiêu chuẩn quốc tế; thực hiện các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại đối với quả vải, nhãn và nông sản của tỉnh…
Tin, ảnh: Mạnh Minh (TTXVN)