HÀ NỘI Chưa bao giờ giá 'thóc lợn, thóc gà' cao và giữ được lâu đến như năm nay.
Anh Huế rất phấn khởi khi giá thóc 838 tăng cao kỷ lục. Ảnh: Dương Đình Tường.
Anh Nguyễn Trác Huế ở xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội năm nay cấy 4 mẫu lúa trong đó có 1,4 mẫu lúa lai Trung Quốc 838 còn lại là Bắc Thơm 7, một giống lúa thuần chất lượng tốt.
Mọi năm, giá lúa lai bao giờ cũng thấp hơn lúa thuần khoảng 1.000 - 1.500đ/kg và chỉ ở khoảng 6.500đ/kg còn khó bán bởi chất lượng gạo hạn chế. Tuy nhiên, năm nay giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng nhanh, nhất là ngô nên nhiều hộ chăn nuôi chuyển sang cho gà, vịt ăn thóc.
“Vụ này tôi thu được 2,8 tấn lúa lai, mới bán 1,1 tấn với giá 9.000đ/kg trong khi lúa Bắc Thơm chỉ được 8.500đ/kg. Loại này nếu cho lợn ăn chỉ cần xay trợt vỏ rồi nấu còn cho gà, vịt cứ để nguyên hạt mà rắc thôi”. Anh Huế phấn khởi cho biết.
Thu nhập của anh Huế không là gì với ông Phan Công Hải, một nông dân cũng trong xã cấy tới 7 mẫu lúa lai 838 vụ này theo mô hình một lúa, một cá và thu được hơn 12 tấn thóc.
Ông Hải mới bán đi một nửa với giá 9.000đ/kg, bỏ túi mức lãi 30-40 triệu đồng, số tiền mà không mấy nông dân trồng lúa dám nghĩ tới.
Gạo lúa lai 838 tuy ăn không ngon nhưng nấu rượu rất được nước. Ảnh: Dương Đình Tường.
Theo anh Nguyễn Hữu Phú, Giám đốc HTX Nam Triều, huyện Phú Xuyên, các năm vụ xuân bao giờ diện tích lúa lai 838 của xã cũng vào khoảng 50% nhưng năm nay có mô hình 100ha Bắc Thơm 7, được trợ giá giống 50%, khay mạ 50% mà lúa lai chỉ còn rất ít người cấy. Do chăn nuôi quy mô hộ của địa phương chỉ vài con lợn, vài trăm con gà, vịt nên ai cũng cần mua lúa lai để làm thức ăn.
Thêm vào đó, lúa lai 838 nếu xát ra gạo để nấu rượu cũng rất nhiều nước nên được cánh chế biến ưa chuộng. Một số người làng thấy được nhu cầu lớn đó cũng đã tìm kiếm lúa lai 838 ở những vùng khác về cấy, nhưng phần vì giá cũng cao, phần vì cước vận chuyển thời Covid đội lên nhiều nên lại thôi. Tất cả những lý do trên đã đẩy giá “thóc lợn, thóc gà” tăng kỷ lục, giữ ở mức đó rất lâu mà gần 30 năm nay người trồng lúa lai chưa bao giờ được chứng kiến.
Dương Đình Tường