Năm 2021, giá hồ tiêu tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, dao động quanh mức 65.000 đến 70.000 đồng/kg. Giá cả tăng cao thì cũng là lúc người dân ở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tăng tốc mở rộng diện tích hồ tiêu, bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng.
Giá hồ tiêu tăng cao, nông dân Đắk Nông không ngần ngại mở rộng diện tích hồ tiêu. Ảnh: Bảo Lâm
Lại "lao theo" hồ tiêu vì... giá cao
Nhận thấy giá cả hồ tiêu tăng cao và tương đối ổn định trong mấy tháng qua nên người nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông lại "hâm nóng" không khí phát triển diện tích hồ tiêu.
Những ngày đầu tháng 5, ông Phạm Kỳ, trú tại huyện Đắk Mil, cùng người con trai tất bật di chuyển hàng trăm trụ gỗ ra vườn để chuẩn bị trồng thêm hồ tiêu. Việc giá hồ tiêu bất ngờ tăng trở lại là lý do khiến gia đình ông quyết định mở rộng thêm diện tích cây trồng này.
Ông Kỳ cho biết: “Tôi mua khoảng hơn 400 trụ gỗ để trồng thêm hồ tiêu. Cũng vừa trồng vừa lo vì giá cả lúc lên, lúc xuống. Nhưng nông dân giờ mất phương hướng, cứ thấy cây gì có giá thì lao theo cây đó, với hi vọng trúng được vài mùa thì có của ăn của để”.
Không chỉ ông Kỳ, nhiều hộ nông dân khác tại huyện Đắk Mil, Krông Nô, Đắk Song, Tuy Đức… cũng đang chạy đôn, chạy đáo đi mua trụ để chuẩn bị mở rộng diện tích hồ tiêu. Một số hộ dân khó khăn hơn thì đổ trụ bê tông để kịp phát triển diện tích hồ tiêu trước khi kết thúc mùa mưa.
Một số hộ dân đã nhanh chân xuống giống hồ tiêu. Ảnh: Bảo Lâm
Ông Nguyễn Văn Mai, trú tại huyện Krông Nô, hiện có 1 ha hồ tiêu đang cho thu hoạch. Năm nay, gia đình ông thu được khoảng 4 tấn tiêu. Với giá bán hiện tại dao động trên dưới 70.000 đồng/kg, gia đình ông có lãi khoảng 150 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Việc hồ tiêu tăng giá và có lợi nhuận cao đã thôi thúc ông có ý định trồng thêm khoảng 600 trụ tiêu. “Giá hồ tiêu tăng người nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Đó là lý do năm nay tôi quyết định đầu tư khoảng 70 triệu đồng để mua 600 trụ gỗ về trồng hồ tiêu xen lẫn trong hơn 1 ha cà phê”, ông Mai cho biết.
Một số hộ gia đình ở tỉnh Đắk Nông đang tất bật thu gom trụ hồ tiêu để chuẩn bị đánh “quả lớn“. Ảnh: Bảo Lâm
Tương tự, hiện nay, bà Nguyễn Thị Ngân, cũng ở huyện Krông Nô, đang tất bật chăm sóc khoảng 1.000 bầu tiêu do mình tự ươm. Trong mùa mưa này, gia đình bà dự định sẽ trồng 1.000 bầu tiêu. "Hy vọng mấy năm tới, hồ tiêu ít nhất vẫn giữ được mức giá xoay quanh 70.000 đồng/kg như hiện nay”, bà Ngân chia sẻ.
Bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng
Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô cho biết, toàn huyện có hơn 1.000ha hồ tiêu, trong đó phần lớn đã cho thu hoạch.
Từ đầu mùa vụ tới nay, mặt bằng giá hồ tiêu tăng hơn mọi năm, nên người dân đã mở rộng diện tích loại cây trồng này. Tuy nhiên, điều này sẽ đối diện nhiều rủi ro, thậm chí tái diễn tình trạng “cung vượt quá cầu”.
Giá hồ tiêu tăng cao, thị trường buôn bán trụ hồ tiêu đã nóng trở lại. Ảnh: Bảo Lâm
Trước thực trạng trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Nô đã khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, trong thời điểm này chưa nên mở rộng diện tích hồ tiêu. Bởi vì dịch bệnh ở hồ tiêu vẫn chưa được kiểm soát, thị trường được dự báo vẫn còn nhiều bấp bênh.
Theo ông Lộc, trước đây, có nhiều vườn tiêu bị chết do dịch bệnh, chủ vườn đào trụ lên bán lại. Lúc này, mầm bệnh vẫn tồn tại trên trụ tiêu, nếu không được xử lý kỹ, nông dân rất dễ “gặp họa”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu về hồ tiêu trên thế giới vẫn chưa có sự gia tăng đột biến. Tình hình thực tế cho thấy, nguồn cung hồ tiêu vẫn đang tiếp tục vượt cầu.
Các ngành chức năng khuyến cáo không nên mở rộng diện tích nhưng người dân vẫn bất chấp “đánh bạc“. Ảnh: Bảo Lâm
Việc giá tiêu tăng cao như hiện nay chưa phản ánh đúng diễn biến thực tế của thị trường thế giới. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 33.000 ha hồ tiêu. Về lâu về dài, để bảo đảm giữa cung, cầu, tỉnh quy hoạch và giữ mức diện tích hồ tiêu ổn định khoảng 27.000 ha.
Vì vậy, người dân không nên tiếp tục phát triển hồ tiêu mà cần tập trung chăm sóc những vườn hồ tiêu khỏe mạnh, phù hợp để ổn định sản xuất. Những diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết, người dân không nên tái canh mà chuyển sang trồng các loại cây trồng khác để bảo đảm cuộc sống.
Bảo Lâm (Báo Lao Động)