Dù thương lái Trung Quốc về tận vườn để thu mua khi giá chuối đang tăng gấp chục lần so với hồi "giải cứu" năm ngoái, các nông dân trồng chuối cũng nên cẩn thận hơn nhằm tránh tái diễn cảnh "chất đống". Để tăng giá trị mặt hàng chuối, không thể mãi "ăn xổi ở thì", trông chờ vào thương lái.
Quan sát kỹ hiện tượng giá chuối già hương ở Đồng Nai bỗng dưng có mức giá cao trở lại (17.000 – 18.000 đồng/kg), tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2017, sẽ thấy đầu ra tiêu thụ vẫn là Trung Quốc, do thị trường này có nhu cầu cao nhưng đang khan hiếm.
Nhưng vì sao thương lái Trung Quốc lại đến tận các vườn chuối ở Đồng Nai để thu mua với mức giá cao như vậy, trong khi năm trước họ đột ngột giảm thu mua làm giá chuối xuống thấp 15 lần, cả nghìn tấn chuối rơi vào cảnh khốn đốn khi đầu ra không có, khiến nông dân lao đao?
Thương lái thao túng
Vấn đề là giá cả mặt hàng chuối đã bị thương lái Trung Quốc thao túng quá dễ dàng, còn nông dân thì hoàn toàn thụ động, cơ quan quản lý thì lúng túng. Đây cũng là "căn bệnh" chung của nhiều mặt hàng nông sản.
Ngay như mức giá chuối tăng cao như hiện nay, không phải người trồng chuối nào cũng hưởng lợi. Thực tế, sau đợt "giải cứu" lần trước, nhiều nông dân ở "thủ phủ" chuối Đồng Nai đã "bán non" cho những thương lái "bao vườn". Và chính những thương lái mới là người trúng đậm tiền tỷ trong đợt tăng giá sốc này.
Với thị trường Trung Quốc, người được mệnh danh là "vua chuối" Võ Quan Huy, Giám đốc công ty TNHH Huy Long An, cho rằng việc trồng chuối xuất khẩu phải hiểu trong một năm xuất vào Trung Quốc tiêu thụ được trong những tháng nào.
Vốn nguyên là nông dân nên ông Huy đã thấu cảm với tình cảnh "được mùa mất giá" của nông sản, đặc biệt là trái chuối. Theo ông, vai trò của cán bộ nhà nước làm khuyến nông vẫn còn yếu hơn những thương lái hay những người bán cây giống, bán chế phẩm.
Chẳng hạn, tại sao mặt hàng chuối phải từng đem đổ bỏ. Khi chuối có giá cao vào cuối năm 2015 và đầu 2016,nông dân hồn nhiên không hiểu lý do tại sao. Phải biết lúc đó thời tiết ở Trung Quốc rất lạnh nên nhiều cây chuối bị chết rét, những người trồng chuối ở đây bị mất mùa dẫn đến thị trường chuối khan hiếm, phải nhập nhiều từ Việt Nam.
Vào thời điểm đó, những người bán chuối giống tại Việt Nam chớp thời cơ, ồ ạt giới thiệu với nông dân là "cứ mua cây giống trồng nhiều vô, sẽ có bao tiêu chuối giá cao". Hệ lụy là đến đầu năm 2017, nông dân bị tình trạng chuối chất đống phải đổ bỏ khi thương lái Trung Quốc giảm thu mua.
Theo ông Huy, trong câu chuyện của mặt hàng chuối, vai trò tìm hiểu thị trường là cực kỳ quan trọng. Cây chuối của Việt Nam trồng theo lối truyền thống hiện vào khoảng 130.000ha và mỗi năm cung cấp khoảng 1,2 triệu tráichuối. Tuy nhiên, chuối xuất khẩu và xuất được vào những thị trường khó tính như Nhật Bản hay Hàn Quốc thì chưa được 10.000 tấn.
Mặt hàng chuối cần những giải pháp căn cơ cho xuất khẩu
Căn cơ với chuối xuất khẩu
Với kinh nghiệm của mình, ông Huy cho biết xuất khẩu chuối đi Trung Quốc tiêu thụ chỉ được trong 4 tháng, từ tháng 2 đến tháng 5 hàng năm. Như vậy, phần còn lại của trái chuối Việt sẽ đi về đâu, phần lớn người trồng chuối hầu như không biết.
Thực ra, Trung Quốc vẫn là thị trường nhiều tiềm năng để Việt Nam xuất khẩu chuối. Như chia sẻ của ông Huy, chúng ta không thể từ bỏ thị trường Trung Quốc mà cần nhìn nhận đó là thị trường nóng bỏng. Thậm chí, trong thời gian tới đây, Trung Quốc cũng vẫn là thị trường chủ đạo của mặt hàng chuối.
Điều quan trọng là với thị trường Trung Quốc, mặt hàng chuối cần có cách tiếp cận khôn ngoan, phải xem đây là thị trường lớn. Với các thị trường xuất khẩu khác cũng vậy, doanh nghiệp và người nông dân nên có tư duy mới hơn để làm sao sản phẩm chuối đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Chẳng hạn, yêu cầu từ phía một doanh nghiệp xuất khẩu chuối đối với phía nông dân là trong nguyên cả một năm phải đáp ứng đủ chuối cho họ theo đúng tiêu chuẩn, chứ doanh nghiệp không thể ký hợp đồng theo mùa vụ. Liệu các nông dân có đủ sức đáp ứng?
Còn theo Ts. Phạm Thanh Duy, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM, những người trồng chuối muốn ổn định đầu ra cũng phải tính đến chuyện "chuối sạch" để có thể dễ dàng vào các cửa hàng tiện lợi hay xuất khẩu. Ngoài ra, cũng nên nghiên cứu vấn đề làm bột từ chuối để giải quyết đầu ra.
Giới chuyên gia lưu ý nếu đã trồng chuối xuất khẩu, nhắm đến những thị trường khó tính thì phải hiểu người Nhật thích ăn trái lớn hay nhỏ, hay ở Hàn Quốc ăn trái chuối vào những tháng nào. Ví dụ như thị trường Hàn Quốc, nếu xuất chuối vào tháng 7 hoặc tháng 10, 11 thì khó mà bán được.
Cho nên, nếu người trồng chuối hiểu được vấn đề này thì mới có thể không còn cảnh phải đổ bỏ. Còn tình hình giá chuối tăng trở lại như hiện giờ với tầm ảnh hưởng của thương lái Trung Quốc vẫn chỉ là nhất thời.
Quan trọng là phía cơ quan quản lý nên chủ động đến gần hơn với người trồng chuối để mặt hàng chuối căn cơ hơn trong chuyện xuất khẩu, tránh theo lối mòn "ăn xổi ở thì".
Thế Vinh/Thời báo kinh doanh
(Tùng Linh APC - sưu tầm)