Những vườn mắc ca già, kém chất lượng được người dân 'trẻ hóa' bằng hình thức ghép cải tạo giúp cây ghép phát triển nhanh, mở ra cơ hội tạo sản phẩm chất lượng cao.
Ông Nguyễn Văn Lương ghép cải tạo mắc ca để cải thiện năng suất, chất lượng. Ảnh: Minh Hậu.
“Trẻ hóa” mắc ca
Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Văn Lương ở xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đang tổ chức ghép cải tạo hàng loạt cây mắc ca trên khu vườn của gia đình. Ông Lương cho biết, ông trồng mắc ca từ những năm 2000 và trong số đó, nhiều gốc đã bước vào giai đoạn già cỗi, kém năng suất. Hơn nữa, 20 năm trước, khi hay tin mắc ca là giống cây trồng có giá trị kinh tế cao nên ông mua thử cây giống trôi nổi trên thị trường mang về trồng nên có những cây chất lượng không đạt yêu cầu.
“Hồi ấy cây giống chủ yếu là thực sinh. Cây mắc ca còn xa lạ nên cứ thấy người ta bán giống là mua về trồng chứ không để ý và cũng ít thấy nơi nào cung cấp giống chất lượng cao như ngày nay. Do vậy, cây phát triển chậm và chất lượng trái không cao”, ông Lương nói và cho biết thêm, lứa mắc ca cũ của gia đình hiện có khoảng 200 cây và được trồng xen trong vườn cà phê.
Trong số 200 gốc này, nhiều cây vẫn cho thu hoạch khoảng 10kg hạt mỗi năm. Số khác già, kém chất lượng hơn thì 4-5kg hạt. Hiện nay, gia đình ông đang bán hạt mắc ca cho các hợp tác xã, doanh nghiệp ở địa phương với mức giá tại vườn từ 80.000-90.000 đồng/kg.
“Cứ có hàng là người ta đến lấy. Hàng nhiều mấy cũng hết. Có điều, mắc ca giống cũ nên vỏ dày, cơm ít, người mua cũng hay chê. Họ bảo hàng này chỉ tiêu thụ trong nước vì không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu”, ông Lương thổ lộ.
Vì muốn nâng chất lượng nông sản để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, gia đình ông Lương nhiều lần tìm giải pháp như tăng chất dinh dưỡng, nước tưới cho cây nhưng kết quả không khả quan. Nhiều lần ông tính đến việc chặt bỏ cây cũ, trồng cây mới nhưng ngại thời gian chờ đợi từ 4-5 năm nên lại thôi. Khi gia đình chưa tìm ra lối đi hiệu quả thì hay tin Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tổ chức mô hình ghép cải tạo đối với mắc ca.
Mắc ca Lâm Đồng được trồng từ hàng chục năm nhưng lượng hàng xuất khẩu chưa cao. Ảnh: Minh Hậu.
Năm 2020, gia đình ông Lương quyết định tham gia chương trình và trên 50 cây già cỗi, kém năng suất được ông ghép cải tạo. Những cây này đều được cưa ngang ở các cành lớn rồi sử dụng giống mắc ca chất lượng cao để ghép vào.
Ông Lương phấn khởi thổ lộ: “Nguồn vốn ghép cải tạo được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 70%. Giống chất lượng, kỹ thuật ghép, chăm sóc cũng được Trung tâm hỗ trợ. Do vậy mọi việc diễn ra rất hiệu quả”.
Hiện nay, 50 gốc mắc ca ghép của gia đình ông Lương đều phát triển tốt, cành lá tua tủa. Đánh giá về độ sinh trưởng của cây, ông Lương cho hay, cây phát triển cành còn nhanh hơn cả những gốc vào độ tuổi trưởng thành. Với tốc độ như hiện nay, chỉ vào khoảng cuối năm 2022 là những gốc ghép sẽ cho thu hoạch.
Hướng tới xuất khẩu
Theo ông Nguyễn Văn Diện, cán bộ Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng, về chất lượng nhân mắc ca, quy định chung về tỷ lệ thu nhân trên trọng lượng quả phải đạt ít nhất 36%. Tuy nhiên, nhiều vườn mắc ca ở Lâm Đồng được trồng thực sinh, cây kém nên tỉ lệ này chỉ đạt khoảng 20-25%. Chính điều này dẫn đến việc mắc ca khó có cơ hội ra với thị trường quốc tế.
Những năm gần đây, mắc ca trồng xen trong vườn cà phê ở Lâm Đồng giúp nông dân cải thiện đáng kể nguồn thu nhập. Ảnh: Minh Hậu.
Trên thế giới, nhiều quốc gia chỉ trồng bằng mắc ca ghép vì đây là những cây được tạo bởi giống chất lượng cao đã qua nghiên cứu, tuyển chọn.
“Hiện nay, chúng tôi đánh giá được một số giống như 846, 849, QN1 có năng suất, chất lượng cao nên kết hợp với Công ty mắc ca Việt để tổ chức ghép cải tạo cho người dân ở huyện Di Linh. Chương trình đã ghép cải tạo trên 550 cây ở hàng chục hộ dân 6 xã của huyện này”, ông Nguyễn Văn Diện nói và cho hay, các mô hình này phát triển tốt, mở ra cơ hội tạo sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Về việc trồng mắc ca, ông Nguyễn Văn Diện khuyến cáo người dân nên trồng bằng mắc ca ghép. Dù giá giống cây cao hơn nhiều lần so với giống thực sinh nhưng cây phát triển nhanh, chất lượng và nhanh được thu hoạch.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Diện, mắc ca là cây có sức chịu gió bão kém nên cần phải có phương án đảm bảo. Khi cây đến độ lớn thì phải bấm ngọn, tạo tán để có thể thu được nhiều trái. Trong quá trình cây đậu quả, phải phòng trừ bọ xít muỗi để tránh ảnh hưởng đến chất lượng của nhân.
Ông Nguyễn Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, địa phương hiện có khoảng 4.400ha diện tích mắc ca, trong đó đa phần trồng xen cà phê và các loại cây khác. Tỉnh Lâm Đồng hướng đến sản xuất mắc ca chất lượng cao, xây dựng liên kết sản xuất và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sơ chế, chế biến để xuất khẩu.
Minh Hậu