Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Dưới 1% diện tích trồng trọt ứng dụng công nghệ cao

Trong 10 năm kể từ thời điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ tỉnh Sơn La của về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc, việc phát triển cây ăn quả trên đất dốc đã làm thay đổi diện mạo Sơn La.

Nhìn lại thập kỷ qua, bà Cầm Thị Phong - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La khẳng định, sự linh hoạt và hiệu quả của các nghị quyết do tỉnh ban hành đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương. Các chính sách hỗ trợ - từ xây dựng vườn ươm giống tới vùng trồng, hỗ trợ thành lập hợp tác xã... đã đưa nông nghiệp Sơn La không ngừng vươn lên.

Nông dân huyện Mộc Châu tham gia khóa tập huấn kỹ thuật về công nghệ trồng rau không dùng đất. nong duoc viet nam

Nông dân huyện Mộc Châu tham gia khóa tập huấn kỹ thuật về công nghệ trồng rau không dùng đất. Ảnh: Quỳnh Chi.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 08 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La về phát triển nông, lâm nghiệp và thủy sản tập trung, bền vững, ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay, nông nghiệp Sơn La đã vươn mình, trở thành hiện tượng của cả nước, đứng thứ nhất miền Bắc và đứng thứ hai cả nước về diện tích trồng cây ăn quả.

Tuy nhiên, với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La hiện chỉ có hơn 51ha canh tác trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao (chiếm 0,02%). Dù tỉnh đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân các giải pháp ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhưng số hộ dân có đủ nguồn lực đầu tư nhà màng vẫn còn hạn chế.

Bà Phong cho rằng, một số chính sách hiện đã bộc lộ bất cập, cần được điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn. Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục tham mưu để tỉnh sửa đổi Nghị quyết 128 của UBND tỉnh về khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 

TS Leone Magliocchetti Lombi - trưởng bộ phận kỹ thuật của Dự án 'Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai' thăm mô hình nhà màng do dự án hỗ trợ đầu tư tại tỉnh Sơn La. nong duoc viet nam

TS Leone Magliocchetti Lombi - trưởng bộ phận kỹ thuật của Dự án "Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai" thăm mô hình nhà màng do dự án hỗ trợ đầu tư tại tỉnh Sơn La. Ảnh: Quỳnh Chi.

Bên cạnh đó, nông nghiệp Sơn La thay đổi diện mạo cũng nhờ sự đóng góp từ các dự án, các tổ chức, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài nước. Tỉnh luôn tích cực kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư và chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn. 

Ngoài dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai”, một loạt chương trình, dự án khác cũng đã và đang tác động tích cực đến Sơn La như dự án nâng cao khả năng thích ứng biến đổi khí hậu cho chuỗi giá trị cà phê; nâng cao suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới; thúc đẩy nông - lâm kết hợp hướng theo thị trường và phục hồi rừng Tây Bắc…

“Với sự đồng hành tích cực từ chính quyền địa phương trong mọi hoạt động của các dự án, nông dân Sơn La đã có những thay đổi rõ rệt trong tư duy, nhận thức và cách thức sản xuất hàng hóa, ngày càng gắn kết hơn với nhu cầu của thị trường”, bà Cầm Thị Phong nói.

Khoảng trống trong liên kết chuỗi giá trị nông sản

Dự án “Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai” là một điểm sáng về hợp tác đa phương tại Sơn La. 34 nông hộ ở huyện Mộc Châu đã nhận hỗ trợ kỹ thuật từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ NN-PTNT). Nhờ đó, họ đã thành thạo kỹ thuật chăm sóc sức khỏe cây trồng và sức khỏe đất, tự tin sản xuất rau quả sạch. 

Nông dân Sơn La ngày càng chú trọng đầu tư sản xuất rau quả áp dụng công nghệ cao. nong duoc viet nam

Nông dân Sơn La ngày càng chú trọng đầu tư sản xuất rau quả áp dụng công nghệ cao. Ảnh: Quỳnh Chi.

“Dù người dân đã tiếp cận công nghệ canh tác tiên tiến, vẫn còn nhiều khâu cần được hoàn thiện. Dự án hiện mới tập trung vào công đoạn sản xuất, nhưng các giai đoạn tiếp nối như thu hái, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch vẫn chưa được đầu tư đúng mức”, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả nhận xét.

Theo kế hoạch, 34 hộ nông dân tham gia dự án sẽ nhận hỗ trợ đăng ký và cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP. Đây là bước khởi đầu quan trọng để sản phẩm rau an toàn Mộc Châu có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Bên cạnh đó, TS Hùng cho rằng, việc phát triển các kênh tiêu thụ trực tiếp sẽ giảm phụ thuộc vào thương lái, đảm bảo giá trị sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị biến động. 

Để nông sản Sơn La có thể vươn xa và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường lớn, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nông dân, nhà quản lý, các nhà đầu tư và hệ thống nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. 

Quỳnh Chi