Nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xuống giống gần dứt điểm vụ lúa hè thu 2020. Do nắng nóng, mưa bất thường, nông dân nên tuân thủ khuyến cáo của ngành nông nghiệp để đảm bảo sản xuất.
Nông dân nên chú trọng khâu làm đất trước mỗi mùa vụ sản xuất
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 183.000/185.000ha lúa hè thu 2020, đạt 99,3% kế hoạch. Các diện tích lúa đang ở các giai đoạn: mạ, đẻ nhánh, làm đòng, trỗ chín.
Trong tuần qua, các đối tượng dịch, hại xuất hiện nhiều trên lúa. Trong đó, rầy nâu có số diện tích nhiễm nhẹ khoảng 850ha trên lúa giai đoạn đẻ nhánh, mật số rầy 750 - 1.500 con/m², rầy phổ biến tuổi 3 - 4, giảm 3.950ha so với tuần trước; sâu cuốn lá nhỏ có số diện tích nhiễm 1.102ha trên lúa đẻ nhánh - trỗ chín, trong đó nhiễm trung bình 8ha với mật số sâu 40 - 50 con/m², còn lại nhiễm nhẹ, tăng 335ha so với tuần trước. Ngoài ra, các đối tượng khác như: bọ trĩ, chuột, bệnh cháy bìa lá, lem lép hạt, vàng lá chín sớm... xuất hiện gây hại phổ biến ở mức nhẹ.
Trước tình hình này, Chi cục trồng trọt & bảo vệ thực vật dự báo trong tuần này, trên lúa hè thu các đối tượng dịch, hại sẽ xuất hiện nhiều. Cụ thể, rầy nâu ở tuổi 3 - 5 tiếp tục phát triển gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, cục bộ có diện tích nhiễm nặng giai đoạn trỗ do rầy tích lũy mật số từ đầu vụ; bọ phấn (rầy phấn trắng) sẽ xuất hiện và gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ do thời tiết nắng nóng kéo dài.
Trong khi đó, sâu cuốn lá sẽ gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - làm đòng, những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm và phun thuốc trừ sâu sớm lúc đầu vụ có khả năng bị hại nặng. Bệnh đạo ôn, cháy bìa lá sẽ gây hại phổ biến ở mức nhẹ - trung bình trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trỗ, những diện tích gieo trồng giống nhiễm như: IR 50404, OM 4218, Jasmine 85, VD 20, nếp... sạ dày, bón thừa phân đạm có thể bị hại nặng.
Ông Lê Văn Chấn - Phó Chi cục Trưởng trồng trọt & bảo vệ thực vật thực vật khuyến cáo: “Để đảm bảo sản xuất ăn chắc vụ lúa hè thu, nông dân cần áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật ngay từ đầu vụ như: 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm; bón vùi phân bón theo tỷ lệ 100% DAP, 50% Kali trước khi trục trạc đất lần cuối, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý nước hợp lý... giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế thấp nhất sự phát sinh gây hại của các đối tượng dịch hại, giảm chi phí, tăng chất lượng và lợi nhuận. Bên cạnh đó, nông dân cần phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá, cháy bìa lá... để áp dụng các biện pháp kịp thời, hiệu quả, hạn chế ảnh hưởng đến sinh trưởng cây lúa giai đoạn sau. Nông dân có thể phun ngừa bệnh đạo ôn cổ bông, lem lép hạt ở giai đoạn trỗ lẹt xẹt và trỗ đều, tuân thủ tốt nguyên tắc 4 đúng khi phun thuốc...”.
Trang Huỳnh (Báo Đồng Tháp)