Không lâu nữa mùa mưa sẽ kết thúc, nhưng không ai dự đoán được thời tiết có lại thất thường như đầu năm 2017. Những biện pháp chăm sóc khẩn trương đang được tích cực triển khai để chuẩn bị cho vụ thu hoạch tiếp theo, sau vụ điều 2017 thất bát...
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), ngành điều trong nước chưa từng chứng kiến tình trạng khó khăn như mùa vụ 2017 khi năng suất, sản lượng đều giảm kỷ lục.
Làm ngay từ bây giờ
Cũng là người trồng điều, ông Nguyễn Văn Rung - Chủ tịch Hội Nông dân xã An Viễn (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết từ giữa tháng 10, Hội nông dân đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, tập huấn cho nông hộ ngay tại vườn điều về công tác vệ sinh, tỉa cành, tạo tán cho đến bón phân, phun thuốc...
Ngành điều trong nước chưa từng chứng kiến tình trạng khó khăn vì sâu bệnh và thời tiết như mùa vụ 2017. Ảnh: N.V
"Cần vận động nông dân cắt tỉa cành sâu bệnh, khô; bón phân và phun thuốc trừ sâu bệnh hại. Việc bón phân phải thực hiện từ nay cho đến trước ngày 15.11. Các chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật cần liên tục theo dõi tình hình khí hậu, tăng cường tính dự báo diễn tiến sâu bệnh để đề xuất biện pháp kịp thời tới người sản xuất”. Ông Trần Công Khanh - GĐ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều
“Nhưng An Viễn có nhiều điều kiện thuận lợi. Ở những vùng sâu, vùng xa, đồi dốc, bà con còn nghèo khó, nhiều diện tích điều hư hại nặng chưa phục hồi chưa hoàn toàn” - ông Rung nói.
Ông Rung kể do ảnh hưởng sâu bệnh hại từ đầu năm; cộng thêm từ tháng 7 đến nay lượng mưa nhiều ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển cây điều ở hầu khắp các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Điều này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nông dân trong việc đầu tư phục hồi vườn điều.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều, rà soát từ tháng 9 - 10, có khoảng 40% diện tích điều phát triển bình thường; 40% đang giai đoạn phục hồi, ra chồi và lá non; 20% còn lại phục hồi kém hoặc không có biểu hiện phục hồi.
Đánh giá thực tế cụ thể hơn ở 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng; từ tháng 8 đến tháng 10; có khoảng 10%diện tích điều bị sâu bệnh từ đầu năm không có biểu hiện phục hồi (không nảy chồi, rụng lá hoàn toàn) nhưng cành vẫn tươi; 15 - 20% có khả năng phục hồi nhưng chậm. Mặt khác do cây nẩy chồi, ra lá trong mùa mưa (trái quy luật) nên bị bọ xít muỗi, thán thư và sâu đục thân gây hại.
Rất nhiều vườn điều ở các huyện Bù Gia Mập, Bù Đăng (Bình Phước); Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huai (Lâm Đồng) hoặc Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai) cây sinh trưởng tốt nhưng người dân không quan tâm tỉa cành, tạo tán. Vườn lại thiếu ánh sáng, thành nơi ẩn nấp và ủ bệnh sẽ gây thiệt hại nặng đến năng suất vụ điều sắp tới.
Không để mất trắng ở mùa sau
Theo Cục Trồng trọt, diện tích điều Việt Nam giảm liên tục trong vòng 8 năm từ 440.000ha năm 2007 xuống còn 290.000ha năm 2015. Đầu 2016, nhiều địa phương đã từng bước phục hồi vườn điều với diện tích đạt 293.000ha; dự kiến 2017 sẽ đạt khoảng 300.000ha.
Giai đoạn 2008 – 2013, năng suất điều luôn ở mức thấp dưới 10 tạ/ha. Từ 2014, khi cây điều được tập trung thâm canh, năng suất lên 12 tạ/ha. Nhưng đến đợt hạn hán 2016 và dịch bệnh năm 2017, năng suất điều giảm xuống còn 7,55 tạ/ha.
Ông Tô Văn Huấn - chuyên viên Cục Trồng trọt cho biết nhiều diện tích điều trong vùng quy hoạch là nơi có điều kiện khí hậu, đất đai, cơ sở hạ tầng phù hợp nhưng lại đang già cỗi, giống sinh trưởng kém, năng suất thấp. Phần này chiếm khoảng 80.000ha ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Tại 2 khu vực này, cây điều phân hóa chồi, nụ hoa và trổ hoa từ tháng 1 – 3 hàng năm, đúng vào thời điểm thời tiết giao mùa nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi hạn hán hoặc mưa trái mùa.
So với các vườn điều già cỗi, điều quảng canh, trồng ở vùng sâu, vùng đồi dốc hoặc chăm bón không đúng kỹ thuật..., các vườn được đầu tư thâm canh, chăm bón tốt, bị thiệt hại nhẹ hơn như ở các huyện Đồng Xoài, Đồng Phú (Bình Phước); hoặc Trảng Bom, Thống Nhất, Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Ông Rung cũng cho rằng chất lượng vườn điều cũng không đồng đều trong các nông hộ khi mục đích trồng, công chăm sóc và độ tuổi vườn khác nhau. “Việc sử dụng kỹ thuật thâm canh vẫn là biện pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất, thậm chí từ 25 – 60% trong điều kiện biến đổi khí hậu”- ông Rung khẳng định.
Cũng chia sẻ với khó khăn của nông dân bị thiệt hại nặng trong năm vừa qua, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh- Trưởng Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững cho rằng nếu ngành điều không gấp rút tổ chức lại sản xuất sẽ tiếp tục mất trắng ở mùa vụ tiếp theo. Việc tổ chức lại sản xuất cần sự vào cuộc quyết liệt và nhanh chóng hơn từ các cấp chính quyền, doanh nghiệp đến nông dân.
Nguyên Vỹ (Dân Việt)