“Nhật Bản, Hàn Quốc đã thụ lý hồ sơ về quả vải Việt Nam, tiến hành đánh giá nguy cơ dịch hại và triển khai các bước cuối cùng để hoàn tất hồ sơ. Hy vọng quả vải của chúng ta sẽ sớm vào được hai thị trường này”, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) đã có những nhận định về thị trường xuất khẩu quả vải trong thời gian tới.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Năm nay được dự báo sẽ được mùa vải. Để tạo điều kiện cho quả vải xuất ngoại, Cục Bảo vệ thực vật đã có những giải pháp gì, thưa ông?
Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT)
- Vải là một trong những loại cây ăn quả chủ lực của các tỉnh miền Bắc. Hiện tỷ lệ cây ra hoa, đậu quả đạt trên 90%, hứa hẹn được mùa lớn. Năm nay, sản lượng vải của 3 tỉnh trọng điểm trồng vải gồm Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên ước đạt trên 217.000 tấn (Bắc Giang 150.000 tấn, Hải Dương 55.000 tấn, Hưng Yên 12.000 tấn).
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quả vải, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành kiểm dịch thực vật tại chỗ. Cục sẽ bố trí các phòng kiểm dịch thực vật lưu động ngay tại các vùng vải tập trung, có diện tích lớn để tiến hành kiểm dịch và cấp chứng thư tại chỗ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, thay vì phải thực hiện tại cửa khẩu như trước đây.
Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, đồng thời giúp giảm tải cửa khẩu và rút ngắn thời gian thông quan, giảm ùn ứ trong các thời điểm xuất khẩu chính vụ.
Quả vải đứng trước cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Ảnh: T.L
"Đối với thị trường EU, ASEAN và Trung Đông, quả vải Việt Nam đang có điều kiện xuất khẩu thuận lợi do chưa vấp phải nhiều rào cản kỹ thuật, tuy nhiên việc mở rộng và nâng thị phần sẽ phụ thuộc vào năng lực của các doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ xúc tiến thương mại của ngành công thương, nhất là giảm giá vận tải, công tác quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm”. Ông Hoàng Trung
Tại các cửa khẩu chúng tôi cũng đã chỉ đạo rõ ràng, các cơ quan kiểm dịch thực vật đường biên, ngoài việc phối hợp với cơ quan liên ngành tại chỗ, cần phối hợp với cơ quan liên ngành phía Trung Quốc làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất, đặc biệt là rút ngắn tối đa thời gian kiểm tra đối với quả vải, nhãn xuất khẩu tại các vùng biên giới.
Bên cạnh đó, ngay tại các cơ sở chiếu xạ tại TP.HCM và Hà Nội, chúng tôi cũng yêu cầu các cơ sở kiểm dịch thực vật bố trí và đưa trang thiết bị xuống. Nếu xuất khẩu đi Mỹ, Úc thì ngay sau khi chiếu xạ cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật ngay tại đó chứ không cần phải lên đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) mới làm các thủ tục.
Cục bảo vệ thực vật cũng chịu trách nhiệm đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trái vải, xin ông cho biết trong năm nay chúng ta có thể mở rộng ra những thị trường nào?
- Thị trường châu Âu rất tốt, hầu hết các rào cản kỹ thuật chúng ta đã vượt qua, thị trường Đông Âu cũng có những tín hiệu lạc quan. Đối với thị trường Mỹ, Úc, trong năm qua tuy XK không nhiều nhưng đã góp phần thay đổi cách thức canh tác vải, nhãn của bà con theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường.
Do đó, Cục bảo vệ thực vật đang cùng các địa phương cố gắng duy trì xuất khẩu sang các thị trường này và mở rộng thị phần. Hy vọng mùa vải, nhãn năm nay, khối lượng xuất khẩu sang các thị trường này sẽ lớn hơn. Bên cạnh đó, Cục bảo vệ thực vật cũng đang nộp hồ sơ sang một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện họ đang thụ lý hồ sơ, đánh giá nguy cơ dịch hại, hy vọng năm nay trái vải sẽ vào được các thị trường này.
Không nên lo ngại yêu cầu truy xuất nguồn gốc
Những yêu cầu khắt khe hơn từ thị trường Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng có ảnh hưởng gì đến hàng xuất khẩu của Việt Nam không, thưa ông?
- Trung Quốc là thị trường lớn, tiêu thụ từ 80.000 – 100.000 tấn vải thiều/năm cho Việt Nam. Phía bạn đã đặt vấn đề này từ năm 2009, hiện 8 loại quả đã được phía Trung Quốc cấp tem nhập khẩu, đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc, do vậy cần khẳng định việc này không mới. Yêu cầu này của Trung Quốc là hoàn toàn chính đáng.
Hiện nay, năng lực sản xuất của nông dân ngày càng nâng cao, chúng ta cũng đã có thêm những kinh nghiệm xuất khẩu đi các thị trường khó tính, do vậy không nên có tâm lý lo ngại trước những yêu cầu của họ. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam cần kết hợp, phối hợp với phía bạn nhằm tuân thủ trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc cũng như đảm bảo chất lượng.
Chúng ta đã cử người sang Quảng Tây để tìm hiểu thông tin, cung cấp cho người dân và các tỉnh nhưng vẫn không được chủ quan trong khâu thị trường, mục tiêu lớn nhất là tạo ra giá trị cao cho người nông dân, được mùa nhưng không mất giá. Chính vì vậy, các địa phương cần tuân thủ nghiêm việc chăm sóc, đảm bảo quy trình kỹ thuật, đặc biệt trong những vùng xuất đi các thị trường khó tính.
Việc tiêu thụ vải cần sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương, bộ, ngành liên quan. Trên tinh thần vào cuộc quyết liệt nhưng cũng hết sức bình tĩnh, chúng ta không sợ thừa vải, nhãn. Lần này chúng ta sẽ làm việc căn cơ, bài bản, đảm bảo tiêu thụ tốt vải, nhãn, đem lại thu nhập cao, ổn định đời sống cho người nông dân.
Xin cảm ơn ông!
Đình Thắng (Dân Việt) thực hiện
(Tùng Linh APC - sưu tầm)