Huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương vừa tổng kết mô hình cơ giới hóa canh tác khoai tây gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm mang lại hiệu quả cao.
Cánh đồng trồng khoai tây hoàn toàn bằng móc móc. Ảnh: Nguyễn Hải Tiến.
Phấn khởi khoe với chúng tôi, ông Vũ Khắc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thanh Miện cho biết, vụ đông 2020-2021 này, một số địa phương trong huyện đã trình diễn thành công, mô hình cơ giới hóa canh tác khoai tây gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Tổng diện tích đưa vào trình diễn 54ha, trồng tập trung gọn vùng tại xã Thanh Giang (29ha) và thị trấn Thanh Miện (25ha). Các giống khoai đưa vào trồng gồm Atlantic và Marabel.
Công ty Cổ phần Nông nghiệp Vàng là đơn vị liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các địa phương trồng khoai tây tại đây. Trong đó, doanh nghiệp có trách nhiệm ứng trước cho nông dân khoai tây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học phòng trừ sâu bệnh và thu mua sản phẩm sau thu hoạch.
Các cấp chính quyền tỉnh, huyện và xã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nông dân dồn thửa đổi ruộng và tích tụ diện tích canh tác. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp cùng xí nghiệp thủy nông trên địa bàn, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh, dự tính, dự báo kịp thời các loại sâu bệnh hại khoai tây và đứng ra làm cầu nối giúp nông dân các dịch vụ cơ giới hóa canh tác như, làm đất, vun xới, tưới tiêu, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Kết quả, sau thu hoạch, trừ hết các khoản chi phí đầu tư, quân bình mỗi hecta khoai tây thu được hơn 23 triệu đồng lợi nhuận (khoảng 1,4 triệu đồng/sào 360m2), tuy không cao, nhưng so với thời gian bỏ ra sản xuất 1 sào khoai tây chỉ cần 2,5 công lao động, có thể coi là hiệu quả.
“Trồng khoai tây hết ít công lao động là do phần lớn các công đoạn canh tác, làm đất, vun xới, tưới tiêu, thu hoạch củ, đều thực hiện bằng máy móc, chỉ còn mấy khâu sản xuất nhẹ nhàng phải làm thủ công là đặt củ giống, rải phân và phân loại củ thương phẩm. Nhờ vậy, mỗi nhà nông ở đây tối thiểu cũng trồng được từ 2ha khoai tây đông trở lên”, ông Vũ Khắc Diệp cho biết.
Chị Vũ Thị Huệ ở thị trấn Thanh Miện, trồng 3,4ha khoai tây, thu được gần 55 tấn củ khoai thương phẩm, sau xuất bán cho doanh nghiệp liên kết và cân đối thu, chi, chị còn dư ra được hơn 70 triệu đồng, cùng 2-3 tạ củ tươi để nhà ăn dần. Chị Huệ còn chia sẻ thêm, bà Phạm Thị Liên hàng xóm nhà chị trồng gần 3ha khoai tây vụ này cũng “bỏ ống” được 70 triệu đồng.
Dù vụ thu hoạch khoai tây rồi mà ông Đinh Văn Kiên cũng ở Thanh Miện vẫn còn tiếc hùi hụi, "Nếu bà xã tôi mà nghe theo tôi, trồng cả 5ha khoai tây thay vì 2,7ha như năm nay thì 3 tháng vụ đông này sẽ có hơn 100 triệu đồng ngon ơ. Buôn tàu bán bè cũng khó lòng bì kịp. Tiếc quá đành chờ vụ đông sang năm vậy!".
Ngược với ông Kiên, ông Phạm Ngọc Hậu tủm tỉm khoe nhà ông năm nay mạnh dạn trồng được 7ha khoai tây, thu hoạch trừ chi phí xong lãi 160 triệu đồng, coi như tết này tha hồ rủng rỉnh. Ông Hậu cho biết, trồng khoai tây bây giờ khá nhàn, bao nhiêu nặng nhọc máy móc gánh hết, sản phẩm cũng không phải đi bán xa, doanh nghiệp thu mua tại ruộng, nhà nông cơ bản chỉ thăm nom và thu tiền.
Thu hoạch khoai tây. Ảnh: TL.
Anh Nguyễn Hữu Phần, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh Giang, huyện Thanh Miện phân tích, thành công của mô hình cơ giới hóa canh tác khoai tây gắn với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đã mở ra cơ hội thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, kích thích nông dân dồn đổi ruộng và tích tụ đất canh tác.
Theo ông Phần, việc cơ giới hóa cũng sẽ tạo điều kiện cho xây dựng cánh đồng sản xuất lớn, tăng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập, tránh được tình trạng nhà nông bỏ ruộng vì canh tác không hiệu quả, rút bớt được lao động nông nghiệp chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ thương mại. Theo đó, người dân sẽ làm giàu được trên chính những mảnh ruộng được nhà nước giao khoán.
Thực tế ở sản xuất khoai tây trong mô hình nói trên, chỉ có 21 hộ, nhưng đã đảm nhiệm được 54ha canh tác hiệu quả cao. Mặt khác, lúa xuân gieo cấy trên các chân ruộng sau trồng khoai tây, năng suất sẽ cao hơn vượt trội so với các chân ruộng để ải nằm hoặc ải cày.
Được biết, cùng kỳ năm trước (2019), huyện Thanh Miện cũng triển khai thành công mô hình cơ giới hóa canh tác 15ha khoai tây, hiệu quả sản xuất đạt cao gấp 2-3 lần thâm canh lúa cùng chân ruộng. Kế hoạch vụ đông 2021-2022, huyện sẽ đầu tư thêm máy phân loại khoai thương phẩm, đảm bảo cơ giới hóa đồng bộ các khâu trong quá trình sản xuất khoai tây các loại.
NGUYỄN HẢI TIẾN