Toàn bộ hạt giống được nhập khẩu từ Nhật Bản, vật liệu xây dựng nhà xưởng, phương thức, quy trình sản xuất, tuyển chọn, bảo quản... cũng đều đến từ xứ mặt trời mọc. Và còn nhiều điều khác lạ ở trang trại tía tô đặc biệt này…
Tía tô xanh liên tục được phun thuốc tiệt trùng.
Nở hoa trên vùng đất trũng
Theo ông Phạm Xuân Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lương Tài, Bắc Ninh thì vùng đất này trước đây chủ yếu là trồng lúa, gần đây có phát triển thêm một số loại cây rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là củ cà rốt.
Tuy nhiên, không có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Việc mới đây có thông tin về việc xuất khẩu lá tía tô sang Nhật Bản với giá khoảng 700 đồng/lá thì bản thân những người làm trong ngành cũng rất bất ngờ và vui mừng. “Khi đến thăm mô hình này, chúng tôi thấy thực sự đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao và nếu xuất khẩu với giá trị như thế cũng là xứng đáng”, ông Sơn cho biết.
Thôn Ngọc Khám, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài được Tập đoàn May Hồ Gươm lựa chọn là nơi để sản xuất mô hình tía tô xanh xuất khẩu sang Nhật Bản. Nói về những khó khăn ban đầu, ông Nguyễn Văn Bình, Quản lý dự án nông nghiệp công nghệ cao – Trang trại tía tô Lương Tài, Bắc Ninh, đơn vị hiện đang thực hiện mô hình này cho biết: Khu vực được chọn làm nơi phát triển cây tía tô xanh trước đây chỉ là bãi sình lầy, cỏ cao đến bụng người, không có đường giao thông được cứng hóa, nằm cách xa trung tâm xã. Xác định đây là nơi để sản xuất, đơn vị đã mời các chuyên gia về lấy mẫu, phân tích cụ thể hàm lượng các chất trong đất, phân tích mẫu nước, không khí… xung quanh để xác định khả năng phát triển.
Quá trình khảo sát của các chuyên gia từ Nhật Bản khẳng định nơi đây có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc phát triển giống cây này. Bắt đầu từ tháng 5/2017, đơn vị đã bắt tay vào thực hiện, cải tạo lại đất đai, xây dựng các khung nhà nilon, tuyển chọn, đào tạo nhân lực, huấn luyện quy trình cho người lao động từ khi làm đất cho tới chăm sóc, thu hái, bảo quản, tuyển chọn lá, đóng gói… Hiện nay, đơn vị đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 2 ha tía tô xanh đồng thời đang chuẩn bị sẵn sàng để đón loạt giống mới trong thời gian tới. Hiện, đơn vị đã có khoảng hơn 17 ha đất được dành để phát triển loại cây này.
Những điểm đặc biệt
“Không giống bất cứ quy trình nào ở Việt Nam” là câu mà ông Nguyễn Văn Bình đánh giá về dự án trồng tía tô xanh tại Bắc Ninh. Điểm đặc biệt đầu tiên là toàn bộ hệ thống, trang thiết bị, vật tư đều phải nhập khẩu từ… Nhật Bản. Đáng chú ý là loại nilon được dùng để che phủ diện tích cây trồng được thiết kế thấm hơi nước một chiều.
Tức là nếu lắp đặt đúng chiều, hơi nước trong các vườn cây sẽ được thẩm thấu qua màng nilon ra ngoài trong khi nước bên ngoài không lọt được xuống vườn. Thế nên, dù giữa trời nắng nhưng các máng nước lắp đặt dưới các màng nilon vẫn nhỏ nước tí tách.
Các loại giấy, đèn bắt côn trùng, đèn giúp cây sinh trưởng, hệ thống quạt gió… cũng đều nhập từ Nhật. Chỉ có duy nhất… gà và ếch, nhái là có xuất xứ từ Việt Nam trong các khu vực trồng cây tía tô. Theo quy định ở đây, mỗi vườn phải có hàng chục con gà được thả bên trong. Ngoài ra, bắt buộc phải thả khoảng hơn chục con ếch hoặc nhái để làm thiên địch.
Chế độ chăm sóc cây tía tô ở đây cũng rất khác biệt. Loại tía tô này có màu xanh, hương vị thơm mát được dùng chủ yếu để ăn sống ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính vì thế, cây trồng luôn ở tình trạng được bảo vệ nghiêm ngặt. Không có thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu dùng các loại phân hữu cơ và thường xuyên phun thuốc tiệt trùng. Nhiệt độ, độ ẩm luôn được kiểm tra thường xuyên và duy trì ổn định. Các thông số về nguồn nước, môi trường, vi khuẩn được lấy mẫu và phân tích hàng tuần.
Tiềm năng lớn
Tuy có giá trị cao nhưng không phải lá tía tô nào cũng được xuất khẩu. Theo các chuyên gia ở đây, lá xuất khẩu được là lá thứ 7 của cây, các lá trước đó đều bỏ đi, không sử dụng được. Sau khi thu hoạch lá thứ 7 này, cây lại trải qua quy trình phát triển 7 lá nữa mới lại cho sản phẩm xuất khẩu. Hiện nay, có 3 kích cỡ lá được người Nhật ưa dùng và trang trại ở Việt Nam phải bảo đảm đúng kích cỡ này để thu hái.
Trong 3 kích cỡ này, lá càng nhỏ thì giá trị càng cao. Đánh giá của các chuyên gia, cây tía tô xanh này khi sang Việt Nam có thời gian sinh trưởng nhanh hơn nhưng các tiêu chuẩn vẫn đáp ứng được yêu cầu của phía Nhật Bản. Song, cây tía tô này không trồng được ở điều kiện bình thường của đồng đất Việt Nam, chỉ sau khoảng hơn chục ngày khi được đưa ra ngoài, cây có hiện tượng quăn lá, còi cọc, không phát triển được.
Bên cạnh chế độ chăm sóc là chế độ tuyển chọn lá, bảo quản nghiêm ngặt và hoàn toàn vô trùng cho đến tận các bàn ăn ở đất nước mặt trời mọc. Thông thường, các lá tía tô mất khoảng thời gian từ khi rời cây đến các bàn ăn của người Nhật là khoảng hơn 24 giờ đồng hồ, hoàn toàn đi bằng đường hàng không và được lên lịch cả tháng trời.
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, hiện nay đơn vị mới xuất bán được khoảng 3 tạ/tháng, với chu trình khoảng 3 ngày/chuyến. Tuy nhiên, thị trường hiện nay mới đáp ứng được khoảng 8% nhu cầu tiêu dùng của người dân xứ mặt trời mọc. Do đó, còn rất nhiều tiềm năng mở ra đối với loại cây trồng mới này.
Nguyễn Trường (Báo Tiền Phong)
(Tùng Linh APC - sưu tầm)