Chuyện lạ ở Tuyên Quang: Đem cỏ dại trồng kín vườn cam

Mới đây, về xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh (Tuyên Quang) chúng tôi nghe, thấy chuyện lạ-một số hộ mang cỏ dại vào trồng ở vườn cam. Đây là loài cỏ dại do một dự án khoa học vận động bà con trồng cỏ để không “tranh ăn” đất màu của cây cam.

Về thăm khu vực vườn cam rộng gần 8 ha của gia đình ông Trương Văn Bình, ở thôn Thọ, xã Phù Lưu (Hàm Yên) khi ông đang mải miết cuốc đất, rạch hàng để giâm trồng loài cỏ dại. Hỏi chuyện, anh Bình giảng giải, từ dự án khoa học trồng cây lạc dại trên đất vườn cam, ngày đầu cán bộ dự án vận động mãi chẳng ai mặn mà.

Cũng bởi lâu nay bà con thường phải chi phí lớn về việc mua thuốc trừ cỏ vườn cam thì nay làm ngược lại nên ít hộ hưởng ứng. Ông thấy đây là dự án khoa học, lại do cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm từng làm việc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện nên ông mạnh dạn đăng ký tham gia.

Cán bộ triển khai dự án tại vườn cam của gia đình anh Trương Văn Bình ở thôn Thọ, xã Phù Lưu (Hàm Yên).

Từ nghịch lý đến phong trào

Ông Bình cho biết, mới hơn 1 năm thực hiện dự án, so sánh giữa phần diện tích trồng cây lạc dại với diện tích đất sạch cỏ trên vườn cam có sự khác biệt rất rõ về màu xanh và sinh trưởng của cây cam. Điều đặc biệt là khả năng giữ ẩm cho đất của cây lạc dại thể hiện rất rõ, nhất là những tháng khô hạn.

Sau gần 2 năm thực hiện dự án, nhiều hộ đến thăm mô hình trồng xen cây lạc dại che phủ đất trong vườn cam đã lan truyền ở các thôn và nhiều hộ đến gia đình ông đăng ký mua giống. Tuy nhiên, diện tích vườn nhà chưa phủ kín nên gia đình cũng chưa bán giống lạc dại.

Anh Ma Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lưu khẳng định, thực tế tại 7 hộ tham gia dự án trồng lạc dại trên đất vườn cam đều hiệu quả. Cũng bởi loài cỏ dại của dự án đưa về là một loại cây che phủ lưu niên, có khả năng bảo vệ và cải tạo đất tốt, phù hợp trồng xen trong vườn cây ăn quả nói chung và trên đất dốc trồng cam nói riêng. Tuy nhiên, cây lạc dại không ưa trồng ở nơi có độ dốc lớn, đất có nhiều đá và vườn cam đã vào thời kỳ kinh doanh (cam đã giao tán) hiệu quả không cao.

Trồng lạc dại không hủy hoại môi trường

Theo chị Nguyễn Thị Hợi, người thực hiện Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây lạc dại LD 99 nhằm bảo vệ đất trồng cam tại xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang” được UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 684/QĐ-UBND, ngày 19/5/2016.

Mô hình trồng xen lạc dại trên vườn cam của gia đình chị Hoàng Thị Yên ở thôn Trò, xã Phù Lưu.

Chị Hợi cho biết, trước khi triển khai dự án, chúng tôi đã khảo sát tại một số hộ trồng cam trên địa bàn xã Phù Lưu cho thấy, hàng năm các hộ phun thuốc trừ cỏ từ 2 đến 4 lần, mỗi lần sử dụng 3 - 5 kg/ha để trừ cỏ trắng toàn bộ diện tích vườn cam, tổng lượng thuốc trừ cỏ được sử dụng phổ biến từ 10 - 12 kg/ha/năm; phân bón cho cây cam chủ yếu là các loại phân hỗn hợp đa yếu tố NPK, bón 2 - 3 đợt/năm, bón rắc trên mặt đất, đa số các hộ không sử dụng phân hữu cơ; việc phòng trừ sâu, bệnh hại nhiều đợt trong năm tùy theo tình hình phát sinh và mức độ gây hại.

Thêm vào đó, theo chị Hợi, phần lớn diện tích đất trồng cam là đất dốc (độ dốc phổ biến 15 - 25o). Việc phải canh tác trên đất dốc, dẫn đến đất bị xói mòn rất mạnh là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm nghèo kiệt dinh dưỡng, đất bị thoái hóa gây tác hại nghiêm trọng cho sản xuất cam và môi trường sinh thái.

Việc trồng lạc dại che phủ cho đất bằng thảm thực vật tươi hoặc các phụ phẩm cây trồng đóng vai trò hết sức quan trọng, như một công cụ hữu hiệu để kiểm soát xói mòn, tăng cường độ xốp, sức chứa ẩm tối đa trên đất dốc. Đồng thời, bổ sung các nguyên tố dinh dưỡng, tạo ra môi trường thích hợp cho hoạt động của bộ rễ cây trồng.

"Trong các biện pháp tăng độ che phủ đất thì biện pháp che phủ đất bằng thảm thực vật tươi có nhiều ưu thế và đạt hiệu quả cao nhất đối với nền nông nghiệp sinh thái bền vững. Khi hình thành thảm thực vật che phủ kín, nhờ đó đất không bị xói mòn, dung tích hấp thụ cao, phần lớn nước mưa được thảm cỏ giữ lại...", chị Hợi khẳng định.

Nhân rộng mô hình canh tác trên đất dốc

Cây lạc dại có xuất xứ từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam từ năm 1999 thông qua một số dự án hệ thống canh tác trên nhiều chân đất, từ đất xấu bạc màu, nghèo dinh dưỡng, đất đồi núi dốc đến đất cát. Các nghiên cứu và thực tiễn đã chứng minh tính khoa học về khả năng thích nghi sinh trưởng tốt, tính phổ rộng cao và trồng xen lạc dại sẽ chống xói mòn, bảo vệ, cải tạo độ phì đất.

Việc triển khai dự án trồng xen lạc dại trên vườn cam là biện pháp che phủ đất bằng thảm thực vật tươi có nhiều ưu thế đối với nền nông nghiệp sinh thái bền vững. Đây là cây cỏ họ đậu có khả năng cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm từ nitơ có trong không khí, chúng phát triển sinh khối (thân, lá) nhanh, giữ ẩm và làm giàu mùn cho đất.

Từ thực tế của mô hình khẳng định cây lạc dại che phủ lưu niên, có khả năng bảo vệ và cải tạo đất tốt, phù hợp trồng xen trong vườn cây ăn quả nói chung và trên đất dốc trồng cam nói riêng.

Việc trồng xen lạc dại trong vườn cam là cách thức sản xuất nông nghiệp theo hướng sinh học (không sử dụng thuốc trừ cỏ và giảm phân hóa học), do đó, cần phải nhân rộng mô hình này trên đất dốc, góp phần tạo ra sản phẩm cam an toàn theo hướng VietGAP, sức khỏe cộng đồng sẽ được đảm bảo.

 

Theo Duy Hùng (Báo Tuyên Quang)