NAM ĐỊNH - Bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện cục bộ trên giống nhiễm, mức độ gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước, nếu không phun trừ kịp thời sẽ gây lùn lụi lúa.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nam Định, thời tiết những ngày vừa qua thuận lợi cho các trà lúa sinh trưởng, phát triển, đồng thời cũng thuận lợi cho sâu bệnh phát sinh gây hại. Hiện nay, trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang vũ hóa, mật độ phổ biến 0,1 - 0,3 con/m2, nơi cao 1 - 3 con/m2, cục bộ 5 - 7 con/m2. Mật độ trứng nơi cao 30 - 50 quả/m2, cục bộ 70 - 100 quả/m2. Dự báo, mật độ trứng và sâu non sẽ gia tăng trong những ngày tới.
Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định, mật độ trứng và sâu non cuốn lá nhỏ lứa 2 sẽ gia tăng trong những ngày tới. Ảnh minh họa.
Sâu non lứa 2 sẽ nở rộ từ ngày 1 - 7/5. Sâu ra rải, lứa kéo dài, mật độ sâu phổ biến 20 - 50 con/m2, nơi cao 100 - 200 con/m2, cục bộ >300 con/m2. Mật độ sâu tương đương trung bình nhiều năm và gây hại trên diện rộng lúa đại trà. Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ, hại trực tiếp bộ lá đòng, nếu không phun trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất lúa.
Rầy lứa 2 (chủ yếu rầy lưng trắng) sẽ nở rộ từ 30/4 - 8/5, mật độ phổ biến 200 - 500 con/m2, nơi cao 2.000 - 3.000 con/m2, cục bộ >3.000 con/m2. Bệnh đạo ôn lá đã xuất hiện cục bộ trên giống nhiễm như nếp, BC15, Đài thơm 8, TBR225, Bắc thơm 7... Tỷ lệ bệnh nơi cao 5 - 10%, cục bộ 15 - 20%. Mức độ gây hại cao hơn cùng kỳ năm trước, nếu không phun trừ kịp thời sẽ gây lùn lụi lúa trong những ngày tới. Bệnh khô vằn và chuột sẽ tiếp tục bùng phát, gây hại trên diện rộng.
Trước tình hình trên, để bảo vệ an toàn sản xuất vụ xuân 2025, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định đề nghị UBND, cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố chỉ đạo các xã/thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, phân loại trà lúa để có biện pháp chăm sóc phù hợp. Lưu ý, không bón phân ure khi lúa ôm đòng - sắp trỗ nhằm giảm thiểu sự phát sinh, gây hại của các đối tượng sâu bệnh cuối vụ, nhất là bệnh bạc lá trong điều kiện gặp mưa to, gió lớn.
Bên cạnh đó, tổ chức đợt cao điểm phun trừ dịch hại. Trong đó tiếp tục phun trừ bệnh đạo ôn lá khi chớm xuất hiện và diện tích đã phun nhưng vẫn còn vết bệnh cấp tính. Phun phòng bệnh đạo ôn cổ bông lúc lúa trỗ 3 - 5% số bông (ruộng trỗ trước phun trước, ruộng trỗ sau phun sau) đối với các giống nhiễm như BC15, nếp, Khang dân 18, TBR225, QR1, Q5, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, Phúc Thái 168... đặc biệt là trà lúa trỗ trước ngày 15/5, những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá và khi lúa trỗ gặp mưa.
Phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 tập trung từ ngày 1 - 7/5 đối với những diện tích lúa có mật độ sâu ≥ 20 con/m2 (trà lúa cấy sớm phun đầu lịch, trà lúa gieo cấy muộn phun cuối lịch phòng trừ). Kết hợp phun trừ rầy lứa 2 đối với những diện tích có mật độ rầy ≥ 30 con/khóm (1.000 con/m2). Phun trừ bệnh khô vằn cho những diện tích bệnh chớm xuất hiện.
Ngành nông nghiệp Nam Định đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân bám sát diễn biến sâu bệnh để tổ chức phun trừ kịp thời, hiệu quả. Ảnh minh họa.
Lưu ý, nếu các đối tượng dịch hại cần phòng trừ xuất hiện cùng 1 lúc có thể phối hợp các loại thuốc nhưng vẫn giữ nguyên nồng độ của mỗi loại. Trong thời gian 4 giờ sau phun nếu gặp mưa phải phun lại.
Đối với lúa cỏ, phát động nông dân nhổ bỏ, cắt bỏ những bông lúa cỏ từ giai đoạn lúa làm đòng - ngậm sữa đem tiêu hủy hoặc làm thức ăn cho gia súc. Không vứt bỏ lúa cỏ trên ruộng, bờ ruộng, kênh mương, tránh để hạt cỏ rụng xuống đất, lây nhiễm sang vụ sau.
Trung Quân