Cảnh báo sâu bệnh “bừng tỉnh và tàn phá” trong Tiết Kinh Trập

05/03/2019

Bước vào tiết Kinh trập, các loại côn trùng sâu bệnh được đánh thức sau những ngày ngủ đông dài. Và khi thời tiết vào xuân ấm, cũng là lúc các loại côn trùng gây hại cho cây trồng nở rộ. Những bệnh chủ yếu do sâu bệnh gây ra là bệnh đạo ôn, bệnh mốc đen, các loại côn trùng gây hại mùa màng, đặc biệt là chuột… Để bảo vệ cây trồng cho năng suất, đạt hiệu quả cao bà con nông dân cần chủ động phòng chống sâu bệnh trong mùa đông xuân này.

Vì sao sâu bệnh lại phát triển sau tiết Kinh Trập

Tiết Kinh Trập theo nghĩa Hán văn thì “kinh” nghĩa là kinh động, chấn động, thức tỉnh, sợ hãi, “tử, sinh, kinh, cụ”, nghĩa là sống, chết, sợ hãi, lo âu. Trong cụm từ tên của tiết khí này có nghĩa là giật mình, thức tỉnh. “Trập” nghĩa là các loài sâu bọ côn trùng.

Tiết Kinh Trập được hiểu là tiếng sấm mùa xuân khiến các loài sâu bọ giật mình, bừng tỉnh. Có một số loài sâu bọ, côn trùng ngủ đông, hoặc ấu trùng được sinh ra từ trứng của các loài sâu bọ, côn trùng này tiềm ẩn trong đất, trong vỏ cây, kẽ lá, khi nghe tiếng sấm xuân báo hiệu thức giấc, giật mình, tỉnh dậy và bắt đầy hoạt động mạnh. Người ta gọi nôm na tiết Kinh Trập là tiết sâu nở.

Tính theo dương lịch, tiết Kinh Trập năm nay sẽ bắt đầu từ ngày 5-3. Khí tiết này xuất hiện kiểu thời tiết âm u, độ ẩm không khí cao kèm theo mưa sẽ là thời điểm xung yếu nhất, hội tụ đủ các yếu tố thuận lợi nhất cho sự phát sinh của sâu bệnh. Nhất là đối với các vùng lúa gieo mật độ dày, khả năng nhiễm sâu bệnh càng cao, đồng thời tạo điều kiện để các loại sâu bệnh phát triển mạnh.

Sau tiết Vũ Thủy, nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm ở khu vực bắc bán cầu được tăng cường nên các loài thực vật đâm chồi nẩy lộc, xanh tốt, xum xuê, nhiều loài bắt đầu đơm hoa. Chính vì thực vật phát triển nên tạo ra nguồn thức ăn rất dồi dào cho động vật cấp 1 (theo tháp thức ăn trong sinh học), các loài động vật này bao gồm gia súc ăn cỏ như hươu, nai, trâu, bò cho đến các loài nhỏ như côn trùng sâu bộ. Những trận mưa xuân có kèm theo tiếng sấm chấn động khiến vạn vật bừng tỉnh, các loài ngủ đông, ấu trùng sâu bọ nghe được những tiếng sấm báo hiệu thời tiết ấm áp nên thức dậy, hoạt động mạnh hơn.

Các loại sâu bệnh gây hại trong vụ xuân sau tiết Kinh Trập

Thời tiết nóng ấm là thời điểm thuận lợi để các loại sâu bệnh phát triển nhanh, với mức độ dày đặc. Những loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng chủ yếu gồm:

Theo NDĐT, đối với cây ngô sẽ có các bệnh: sâu đục thân, bắp, bệnh khô vằn, bệnh gỉ sắt, bệnh đốm lá, bệnh lùn sọc đen hại nhẹ.

Với rau màu: bọ nhảy, sâu xanh, sâu khoang, sâu tơ, rệp muội, bệnh sương mai tiếp tục hại trên rau họ thập tự; bệnh héo xanh, bệnh mốc sương, bệnh héo vàng tiếp tục gây hại trên cây cà chua, khoai tây. Cây hồ tiêu, bệnh chết nhanh tiếp tục gây hại có xu hướng tăng; bệnh thán thư, bệnh chết chậm tiếp tục phát sinh gây hại, mức độ nhẹ đến trung bình, nặng cục bộ tại các vườn cây già cỗi úng nước…

Các loại sâu bệnh gây hại cho cây trồng

Tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đen lép hạt, bệnh đạo ôn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân hại bông bạc hại nhẹ trên lúa đông xuân ở giai đoạn đòng trỗ đến chín; bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu năn, giòi đục lá phát sinh gây hại chủ yếu trên lúa đông xuân ở giai đoạn mạ đến đẻ nhánh. Bệnh bạc lá vi khuẩn hại cục bộ ở Khánh Hòa, Bình Thuận.

Ở các tỉnh phía nam, rầy nâu phổ biến từ tuổi 3 đến tuổi 5, gây hại chủ yếu ở mức nhẹ – trung bình trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh. Ở giai đoạn lúa làm đòng có thể nhiễm nặng cục bộ, vì vậy phải quản lý tốt nguồn rầy nâu tại chỗ nhằm hạn chế thấp nhất khả năng lan truyền bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Bệnh đạo ôn lá phát sinh, phát triển mạnh trên lúa ở giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ.

Sâu năn (muỗi hành) gia tăng diện tích nhiễm do thời tiết se lạnh, trời âm u, có sương mù thích hợp cho muỗi hành phát sinh, phát triển. Những vùng thường xuất hiện muỗi hành tại các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Long An, Tiền Giang theo dõi chặt chẽ để có biện pháp quản lý hiệu quả. Ngoài ra, cũng cần lưu ý đến ốc bươu vàng gây hại ở giai đoạn mạ; bệnh bạc lá, bệnh lem lép hạt, chuột gây hại ở giai đoạn đòng trổ đến chín.

Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh

Có rất nhiều phương pháp biện pháp để phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng, nhưng có hai phương pháp phổ biến được người nông dân thường xuyên thực hiện đó là:

Để hạn chế sâu bệnh hại bà con cần chủ động phòng ngừa, sử dụng các biện pháp để diệt trừ sâu bệnh

Biện pháp sinh học

Biện pháp sinh học phòng trừ sâu bệnh hại là lợi dụng các thiên địch để tiêu diệt sâu hại trên đồng ruộng.

Bảo vệ thiên địch của sâu hại: các loài bọ rua ăn rệp ăn sâu hại; các loài ong ký sinh trứng, sâu non, nhộng của sâu hại; các loài kiến, nhện…ăn sâu hại; các loài nấm đối kháng: Trichoderma, Beauveria… Để bảo vệ được các loài có ích này, không nên sử dụng sử dụng thuốc hóa học.

Bên cạnh đó, bà con có thể sử dụng bẫy freromol treo trên ruộng rau để thu hút con trưởng thành cái đến các bẫy mà không giao phối được, không đẻ được trứng và không hình thành được sâu.

Feromol là hợp chất hóa học có hoạt tính sinh học rất cao, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sinh sản của các loài sâu hại. Bẫy feromol đặc biệt có hiệu quả đối với các loại sâu hại không thể phát hiện sớm bằng phương pháp thông thường, như sâu khoang, sâu xanh bướm trắng, sâu tơ, sâu keo da láng trên các loại rau, hoa, đậu, lạc, nho, bông…

Cách đặt bẫy feromol: Sử dụng lọ nhựa hoặc bát nhựa đã dùng một lần, có đường kính 18-22cm, buộc mồi vào dây thép theo kiểu quang treo, sau đó đổ nước 1/3 thể tích bát có pha thêm một ít xà phòng, xà phòng có tác dụng khi bướm bay vào bẫy, rơi xuống nước, sẽ bị bịt lỗ thở lại và chết rất nhanh.

Các loại mồi feromol có hiệu quả hấp dẫn sâu hại trong thời gian ít nhất là 21-24 ngày, tùy theo điều kiện thời tiết và theo từng vùng thì thay bả, tốt nhất thay mồi feromol mới theo định kỳ 20 ngày kể từ ngày sử dụng.

Chú ý đặt bẫy liên tục từ khi trồng đến khi thu hoạch sản phẩm. Ngoài ra hàng ngày bà con thường xuyên kiển tra các bẫy để vớt những con bướm đã chết và bổ sung thêm nước xà phòng khi cần thiết.

Biện pháp hóa học:

Trước khi sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ sâu bệnh, bà con cần thường xuyên điều tra ruộng, để phát hiện sâu bệnh vượt qua ngưỡng gây hại kinh tế mà biện pháp sinh học không điều hòa được, thì lúc đó chúng ta mới nên sử dụng thuốc phun, ưu tiên các loại thuốc sinh học, thuốc thảo mộc trước, nếu vẫn không diệu trừ được sâu bệnh thì mới sử dụng thuốc hóa học để phun.

Nguồn: anninhthudo.vn