Cần hỗ trợ để 'kéo' nông dân sản xuất lúa hè thu

Quảng Bình đang có những giải pháp hỗ trợ nhằm khuyến khích, 'kéo' nông dân trở lại với vụ lúa hè thu.

Sau khi Báo Nông nghiệp Việt Nam thực hiện loạt bài “Tràn lan bỏ vụ hè thu” phản ánh thực trạng diện tích lớn đất lúa ở Quảng Bình bị bỏ hoang (hoặc để vụ lúa tái sinh) trong vụ hè thu, nhiều độc giả đã gọi điện chia sẻ, đồng tình và đưa ra thêm một số phân tích cho việc có nên duy trì vụ lúa tái sinh và làm gì để khuyến khích bà con nông dân chủ động sản xuất, tăng diện tích vụ hè thu.

Cần hỗ trợ, xây dựng mô hình "mồi"

Ông  Nguyễn Ánh (cán bộ hưu trí ở huyện Quảng Ninh) nhìn nhận: “Nhà nước đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống đê điều, kênh mương, giao thông nội đồng, xây dựng cánh đồng lớn nhằm mục đích phục vụ nông dân sản xuất được 2 vụ lúa chắc ăn, nâng tổng thu nhập xã hội lên cao. Vì vậy, việc diện tích rất lớn ruộng không được đưa vào sản xuất trong vụ hè thu như vậy là quá lãng phí”.  

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình thăm mô hình liên kết sản xuất lúa trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Ảnh: Nguyễn Tâm.

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình thăm mô hình liên kết sản xuất lúa trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Ảnh: Nguyễn Tâm.

Phân tích về việc lúa tái sinh hiện nay năng suất thấp, ông Lê Quý (huyện Lệ Thủy) cho hay, hơn chục năm trước đây, khi thu hoạch vụ lúa đông xuân, bà con Lệ Thủy thuê nhân lực gặt lúa bằng liềm để đảm bảo cho gốc rạ không bị dập hư và gốc rạ lên mầm, đẻ nhánh tốt.

Nhưng hiện nay, trên đồng đã cơ bản thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp. Khi gặt máy, sẽ đè nghiến, làm tổn thương gốc rạ khiến lúa tái sinh phát triển rất kém. Thêm nữa, rơm sau khi gặt máy cũng phủ lên làm gốc rạ dễ bị hư, thối.

Về sâu bệnh, mỗi vụ lúa tái sinh chỉ kéo dài khoảng 45 ngày đã cho thu hoạch nên xét trong mỗi vụ thì không thấy rõ ảnh hưởng của sâu bệnh. Tuy nhiên, sau 20 năm duy trì lúa tái sinh trong vụ hè thu thì sâu bệnh cũng sẽ thay đổi chu kỳ để phù hợp với sự phát triển, sinh trưởng của cây lúa. Thực tế những năm gần đây,  lúa tái sinh đã có nhiều sâu bệnh hại và nông dân đã phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, lợi thế của yếu tố "lúa sạch" trong vụ lúa tái sinh cũng dần mất đi.

Mời bạn đọc bài viết chi tiết tại: https://nongnghiep.vn/can-ho-tro-de-keo-nong-dan-san-xuat-lua-he-thu-d362202.html