Bệnh khảm lá vi rút trên cây mì đang gây hại tại Gia Lai với hơn 4.200 ha nhiễm, đe dọa vùng chuyên canh 70.000 ha mì của tỉnh này.
Bệnh khảm lá mì đang có dấu hiệu khó kiểm soát. Ảnh: T.H
Diện tích cây mì (sắn) ở Gia Lai bị nhiễm bệnh khảm lá vi rút liên tục tăng. Chỉ mới niên vụ trước, bệnh xuất hiện lác đác thì nay diện tích đã lan chóng mặt. Ông Nguyễn Văn Thùy ở H.Ia Pa cho biết: “Gia đình tôi có 5 ha trồng mì, mùa trước có nhiễm bệnh nhưng không đáng kể. Chúng tôi theo khuyến cáo của cơ quan chức năng đã tiêu hủy hết diện tích mì nhiễm bệnh. Năng suất có giảm chút ít. Niên vụ này thì gần như toàn bộ diện tích bị nhiễm bệnh. Chắc chắn năng suất, lợi nhuận sẽ giảm mạnh”.
Nhiều diện tích mì từ khi mới trồng đã bị nhiễm bệnh. Hiện chưa có thuốc đặc trị bệnh. Không ít nông dân bỏ luôn rẫy mì, chấp nhận mất trắng để chuyển sang loại cây trồng khác. Số khác thì cố vớt vát. Theo tính toán của nông dân, 1 ha mì nếu được chăm sóc tốt sẽ có năng suất bình quân 25 - 30 tấn. Nếu giá mì tươi dao động trong khoảng 1.800 - 2000 đồng/kg, nông dân sẽ thu lợi từ 15 - 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Song với tình hình bệnh khảm lá đang lan nhanh, nhiều nông dân đối mặt với một mùa mì buồn.
H.Ia Pa là địa phương có diện tích mì nhiễm bệnh lớn nhất Gia Lai với trên 2.500 ha. Việc diện tích nhiễm bệnh tăng đột biến là do trong niên vụ này nhiều nông dân chuyển đổi đất trồng mía sang trồng mì trong thời điểm bệnh khảm lá đang lây lan. Việc kiểm soát nguồn giống không tốt cũng là một trong những nguyên nhân chính. Mặc dù các ngành chức năng của huyện này đã nỗ lực ngăn chặn như động viên nông dân phá bỏ diện tích mì bị nhiễm nặng, triển khai một số biện pháp phòng chống nhưng bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại và gần như không thể kiểm soát.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện Gia Lai có khoảng 70.000 ha mì nhưng hơn 4.200 ha đang bị bệnh khảm lá, trong đó hơn 1.600 ha bị ở mức từ trung bình đến rất nặng. Dự báo năng suất mì có thể giảm từ 50 - 90% trên diện tích mì bị bệnh. Nguy hại hơn là hiện bệnh này chưa có thuốc đặc trị, tốc độ lây lan nhanh khiến một vùng chuyên canh mì của Gia Lai bị đe dọa. Kể từ khi được phát hiện từ niên vụ trước, diện tích mì bị bệnh đã tăng lên hơn 400 lần. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Gia Lai đã có chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện nhiều biện pháp phòng chống, ngăn chặn bệnh khảm lá mì.
Bà Nguyễn Thị Hường, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp H.Ia Pa, cho biết: “Trung tâm cũng như Phòng NN-PTNT huyện cùng với UBND các xã đã hướng dẫn tích cực cho bà con các giải pháp phòng trừ bệnh khảm lá mì. Nhưng thực tế tình hình rất khó kiểm soát. Trước mắt, đối với mì vụ đông xuân hiện nay đã được 9 - 10 tháng thì chúng tôi khuyến cáo bà con tận thu và những nguồn bị bệnh thì khuyến cáo không lấy giống cho vụ sau và tiêu hủy tàn dư thực vật này”.
Trần Hiếu (Báo Thanh Niên)