“Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam”
Sinh trưởng trên độ cao lớn, lại trong vùng núi, chè Shan tuyết Suối Giàng như được “hấp thu linh khí đất trời”, nên chất lượng thật đặc biệt. Người dân nơi đây coi cây chè Shan tuyết cổ thụ như báu vật trời cho, cũng từ cây chè quý này mà nhiều hộ gia đình có của ăn của để.
Chè cổ thụ Suối Giàng đang bị mối tấn công.
Tại thời điểm này, theo ngành chức năng huyện Văn Chấn, diện tích được cho là chè cổ thụ còn khoảng 540 hecta (trong đó có 140 hecta trồng mới). Đáng chú ý, trong đó có tới 400 cây được công nhận là Cây di sản Việt Nam, khi có tuổi đời trên 300 năm.
Cây chè Shan tuyết Suối Giàng tập trung ở 4 thôn: Giàng A, Giàng B, Pang Cáng (nhiều cây chè cổ thụ nhất) và Bản Mới.
Sống trên núi cao ẩn mình trong mây mù, chè Suối Giàng cho sản lượng không nhiều nhưng bù lại là chất lượng có thể nói là số 1. Búp chè to như búp đa, trên bề mặt phủ một lớp lông tơ mịn màng như tuyết phủ. Với người sành uống trà, chè Sahan tuyết Suối Giàng hội tụ 3 yếu tố: hương thơm - vị đậm - nước xanh.
Nhiều cây chè quý ở Suối Giàng đã thành cành củi khô chỉ vì mối. Ảnh: IT
10 năm 150ha đất sản xuất biến mất: Con số "giật mình" ở Anh Sơn
Người dân nơi này tới nay vẫn kể lại câu chuyện về một người đàn ông “Tây”. Đó là ông K.Djenmukhaze, Viện sĩ thông tấn người Nga. Khoảng giữa thập niên 70 thế kỉ 20, khi tới đây và uống nước chè Shan tuyết, ông đã thốt lên rằng, bản thân mình đã đi qua cả trăm quốc gia, uống không biết bao nhiêu loại chè đặc sản nhưng không ở đâu có loại nước trà tuyệt vời như cây chè cổ thụ Suối Giàng. Không rõ thực hư, vị chuyên gia này cho rằng trong chén nước trà Shan tuyết Suối Giàng, có đủ 18 vị đầu đẳng của chè thế giới.
Cũng không rõ từ bao giờ, người ta cho rằng vùng Suối Giàng là “Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam”.Theo lãnh đạo xã Suối Giàng, sản lượng bình quân mỗi năm 500 tấn chè búp tươi. Dự kiến năm nay thu hoạch 550 tấn. Nhưng điều đó khó thực hiện bởi rừng chè cổ thụ này đã và đang bị bầy mối tấn công dữ dội.
“Thất thủ” trước bầy mối
Thực ra, việc bầy mối tấn công phá hủy những cây chè Shan tuyết Suối Giàng không phải bây giờ mới có, mà đã xuất hiện từ hơn 10 năm trước. Lúc bấy giờ người dân đã bày tỏ sự lo ngại, chính quyền xã cũng đã đặt vấn đề với huyện, nhưng có lẽ chưa đến độ căng thẳng nên đã không nhận được sự quan tâm cần thiết.
Cận cảnh đường mối xông trên thân câu chè cổ thụ. Ảnh: IT
Cho tới năm 2013, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện mới thực sự lưu tâm. Lúc bấy giờ, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp cho biết, sau những đợt kiểm tra nhận thấy rằng dịch mối xông ở cây chè cổ thụ xã Suối Giàng đang phát triển mạnh. Lý giải lúc bấy giờ là do gốc chè không giữ được độ ẩm thích hợp, phát sinh điều kiện để mối phát triển.
Vào thời điểm đó, cơ quan chức năng thống kê có khoảng 30 hecta chè bị mối xông. Theo người dân trong xã, dù họ đã mua thuốc sâu về để diệt mối nhưng chỉ lũ mối ở bên ngoài chết, còn những con ở bên trong cây chè không chết, vẫn tiếp tục cắn phá.
Người dân trong xã rất lo ngại khi lúc đầu mối tấn công vào gốc chè khiến cây chè không có búp, rồi chúng gặm nhấm lên tận ngọn khiến cây chè chết dần. Khi đó, người ta cho rằng có khoảng 10% số cây chè Shan tuyết cổ thụ có độ tuổi từ 20 năm trở lên ở xã bị mối tấn công.
Tới thời điểm này, số cây chè cổ thụ tại xã Suối Giàng bị mối tấn công đã tăng lên nhanh chóng, thực sự đe dọa tới sự tồn tại của vùng chè quý hiếm này. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không sớm có giải pháp cấp cứu thì cây chè Shan tuyết Suối Giàng sẽ “thất thủ” trước bầy mối.
Thống kê của cơ quan chức năng về nông nghiệp của huyện thì, “giặc mối” đang làm suy kiệt, hủy hoại rừng chè, khi mà có tới 28% cây chè cổ thụ bị mối tấn công, nhiều cây đã chết và nhiều cây đang chết.
Người dân trong xã cho biết, mối tấn công cây chè quanh năm, nhưng mạnh nhất là vào mùa mưa- tức là khoảng thời gian này cho đến hết tháng 9. Có nhiều cây chỉ sau 3 tuần đã bị mối đục rỗng ruột. Hôm trước, người dân dùng cành cây gạt đường mối ăn lên thân cây nhưng hôm sau lại thấy chúng đắp như cũ. Nhìn thấy rõ như thế, xót ruột như thế nhưng không có cách nào cứu vãn.
Được biết, lãnh đạo huyện Văn Chấn đã mời chuyên gia của Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình lên khảo sát để đưa ra cách trị mối cứu rừng chè cổ thụ. Nhưng đáng tiếc là chính các vị chuyên gia ấy dù đã đưa ra một số phương án nhưng không thành công.
Cũng cần nói thêm rằng, kinh phí dự kiến cho việc nghiên cứu diệt bầy mối lên tới ngót 3 tỷ đồng- mà số tiền ấy với người dân xã Suối Giàng thì không hề dễ chút nào.
Xã có 500 hộ dân, thì hơn 300 hộ sống nhờ vào cây chè cổ Shan tuyết. Nhưng “sinh kế” của người dân lại đang bị mối tấn công, đang lụi đi trước mắt người dân. Không lẽ bó tay? Nguy cơ nhãn tiền là từ bầy mối, nhưng còn nguy cơ khác sâu xa hơn “tiềm ẩn” hơn chính là sự thiếu quyết tâm của chính quyền địa phương, của các cơ quan khoa học chuyên ngành khi không tích cực ra tay cứu một vùng chè cổ thụ danh giá bậc nhất đất nước.
Theo Thanh Đức (Đại đoàn kết)
Bùi Đại Hiệp (sưu tầm).