Nếu áp dụng các biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP nhập khẩu, giá phân bón trong nước sẽ tăng, nông dân thêm khó khi giá nông sản đang ở mức thấp
Sau khi Bộ Công Thương quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP nhập khẩu Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất phân bón trong nước tỏ ra không đồng tình vì cho rằng việc bảo hộ chỉ có lợi cho 2 nhà máy sản xuất mặt hàng này và không công bằng với nông dân.
Hàng nhập giá cao sao ép được hàng nội!
Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất phân bón trong nước cho rằng việc Bộ Công Thương muốn điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phân bón DAP nhập khẩu là không thuyết phục bởi mặt hàng này nhập khẩu hiện có giá bán cao hơn phân DAP sản xuất trong nước, không có chuyện hàng nhập khẩu bán phá giá hay chất lượng kém hơn phân bón trong nước, gây xáo trộn thị trường. Phân bón DAP chủ yếu tiêu thụ ở thị trường phía Nam; giá phân DAP sản xuất trong nước bán ra thị trường dưới 9.000 đồng/kg trong khi phân DAP Trung Quốc bán gần 10.000 đồng/kg, phân DAP nhập từ Hàn Quốc trên 13.000 đồng/kg nhưng nông dân vẫn chê sản phẩm trong nước.
Chi phí sản xuất của nông dân sẽ tăng nếu giá phân bón biến động Ảnh: Ngọc Trinh
Trong thông báo điều tra, dựa trên hồ sơ bên yêu cầu là Công ty CP DAP (DAP Đình Vũ) và Công ty CP DAP số 2 (DAP Lào Cai) cùng thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), 2 công ty này chiếm 100% tổng sản lượng DAP sản xuất trong nước. Bộ Công Thương đánh giá bên yêu cầu đã và đang chịu thiệt hại nghiêm trọng về các chỉ số: lượng bán hàng, doanh thu, lợi nhuận, sản lượng, công suất sử dụng và thị phần. Bộ Công Thương cũng cho rằng có bằng chứng về mối quan hệ nhân quả giữa hàng hóa nhập khẩu gia tăng (năm 2016 tăng 35% so với năm 2015) và thiệt hại nghiêm trọng gây ra cho bên yêu cầu.
Ông Vũ Duy Hải - Tổng Giám đốc Công ty CP Vinacam (TP HCM), đơn vị nhập khẩu và cung ứng phân bón vô cơ lớn - cho biết hàng nhập khẩu của công ty không thể gây ảnh hưởng lên nhà sản xuất trong nước do giá luôn cao hơn. Cụ thể, Vinacam đang nhập DAP từ 3 nguồn là Úc, Hàn Quốc và Trung Quốc, giá luôn cao hơn hàng trong nước từ 580.000 đến 1 triệu đồng/ tấn, tùy nguồn nhập và thời điểm. Ông Hải nhìn nhận việc giảm sút doanh số bán hàng của các nhà máy DAP nội địa không do sự canh tranh của hàng nhập khẩu mà chủ yếu là vấn đề nội tại của các doanh nghiệp trong nước. Cần nhìn nhận khách quan là các nhà máy trong nước yếu kém trong công tác quản lý, đầu tư công nghệ không phù hợp, nguồn nguyên liệu đầu vào không đạt tiêu chuẩn quốc tế dẫn đến chất lượng sản phẩm không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của người tiêu dùng.
Thiệt cho cả nền sản xuất nông nghiệp
Ông Trần Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phân bón Hà Lan (Long An), công ty sử dụng cả 2 nguồn phân DAP nội địa và nhập khẩu để đưa vào sản xuất - cho rằng không nên áp dụng biện pháp phòng vệ vì sẽ làm tăng chi phí sản xuất trong nông nghiệp trong khi giá các loại nông sản đang ở mức thấp. Dù thuế nhập khẩu tăng, doanh nghiệp cũng phải nhập khẩu DAP vì hàng sản xuất trong nước không đáp ứng về chất lượng. Cụ thể, với DAP mua trong nước, công ty phải dùng máy nghiền hạt rồi mới đưa vào sản xuất và chỉ sản xuất được một số mặt hàng. DAP trong nước kém hơn hàng nhập nhiều chỉ tiêu, như tan chậm, bón trên đất khô cả tháng chưa tan để cây trồng hấp thu; chất lượng các lô hàng không ổn định... Đây là điều khiến các doanh nghiệp bất an khi sử dụng nguyên liệu trong nước dù giá rẻ hơn hàng nhập khoảng 1.000-2.000 đồng/kg.
DAP là một trong 4 loại phân bón cơ bản cùng với urê, kali, SA; được nông dân sử dụng nhiều nhất khi trồng trọt. Mục đích sử dụng DAP chính là bón lót, bón thúc cho tất cả các loại cây trồng trên các loại đất khác nhau hoặc sử dụng để sản xuất phân bón NPK.
Nếu Bộ Công Thương sau khi điều tra quyết định áp thuế phòng vệ thương mại thì giá phân DAP nhập khẩu sẽ tăng theo, cuối cùng khách hàng sẽ phải gánh hết chênh lệch này. Như vậy, thiệt hại chung cho cả nền sản xuất nông nghiệp và đối tượng chịu thiệt lớn nhất là nông dân.
TS Nguyễn Đăng Nghĩa - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, chuyên gia lâu năm trong ngành phân bón - cho rằng việc sử dụng phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cần phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bảo đảm công bằng, minh bạch và trên hết là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, Bộ Công Thương cần làm rõ vì sao giá phân bón DAP của 2 công ty trong nước rẻ hơn sản phẩm nhập khẩu, thậm chí rẻ hơn cả phân bón DAP của Trung Quốc nhưng nông dân vẫn chọn mua phân bón nhập khẩu mà không dùng sản phẩm trong nước. Nếu phân DAP sản xuất trong nước đáp ứng được yêu cầu về chất lượng thì nông dân chẳng dại gì không mua sử dụng, các doanh nghiệp phân phối chẳng dại gì không bán mà lại chọn hàng nhập khẩu.
Theo giới chuyên môn, phân DAP sản xuất trong nước có nhược điểm lớn là khó tan và hàm lượng thấp hơn hàng nhập khẩu nên khó tiêu thụ. Đã có Vinachem ép các doanh nghiệp thành viên dùng sản phẩm của DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai để phân phối hoặc làm nguyên liệu phối trộn trong sản xuất. Hậu quả là các doanh nghiệp thành viên đã phải "trả giá" đắt do thực hiện chủ trương này. Vì vậy, thay vì trông chờ vào chính sách bảo hộ hoặc dùng biện pháp phi thị trường để bán hàng, các công ty sản xuất DAP trong nước nên tìm giải pháp nâng cao công nghệ sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm.
Ngành công thương sẽ hết quản lý phân bón
Bộ Công Thương đang quản lý phân bón vô cơ (chiếm 90% tổng số phân bón) nhưng theo lộ trình đã được thông qua, trong năm 2017, bộ này sẽ hoàn thành chuyển giao chức năng quản lý phân bón sang Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tập trung làm tốt công tác quản lý, tổ chức sản xuất, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Cả nước hiện có 560 nhà máy phân bón vô cơ, vượt nhu cầu cả nước 10 triệu tấn/ năm.
Ngọc Ánh - Thanh Nhân (Báo NLĐ)
(Tùng Linh APC - sưu tầm)