Cả ngàn héc ta mía dân tự trồng ở vùng đông nam Gia Lai đang phải bán đổ bán tháo bởi nhà máy không có kế hoạch thu mua.
Gia đình bà Nhân phải bán mía với giá rẻ mạt. Ảnh: Trần Hiếu
Vùng nguyên liệu mía phục vụ Nhà máy đường Ayun Pa thuộc Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai được tỉnh Gia Lai quy hoạch gần 13.000 ha, thuộc TX.Ayun Pa và các huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa. Trong khi đó, cũng có khoảng 1.000 - 1.200 ha mía của nông dân không ký hợp đồng với nhà máy và số mía này chưa biết bán đi đâu dù đã đến kỳ thu hoạch.
Bà Nguyễn Thị Nhân (ở xã Ia Peng, H.Phú Thiện) trong những ngày này chạy bở hơi tai tìm người mua gần 10 hamía. Không như những năm trước luôn có thương lái đến tận nhà tìm mua, năm nay mía chín đầy đồng mà người mua vắng bóng. Rốt cuộc bà phải bán đổ bán tháo với giá 5 triệu đồng/ha, trong khi tiền đầu tư cho gần 10 hakhoảng 400 triệu đồng. Với năng suất 75 - 80 tấn/ha, gia đình bà Nhân thu được khoảng 60.000 đồng/tấn mía. Bà Nhân chua chát: “Năm ngoái nhà máy thu mua một nửa diện tích. Còn lại tôi bán ở ngoài. Năm nay tôi xuống nhà máy thì họ nói không thu mua nên tôi bán đổ, bán tháo, cho người ta chặt. Giờ bán được đồng nào thì được rồi dọn rẫy, cày đất trồng sắn thôi!”.
Theo thống kê sơ bộ, H.Phú Thiện là địa phương có số diện tích mía không ký hợp đồng chăm sóc, bao tiêu sản phẩm với nhà máy nhiều nhất.
Nhà máy đường Ayun Pa cho biết chỉ mua mía của người dân ký hợp đồng với nhà máy
Ông Mai Ngọc Quý, Phó trưởng phòng NN-PTNT H.Phú Thiện, cho biết: “Huyện có hơn 600 ha mía mà nông dân không hợp đồng với nhà máy. Họ tự đầu tư. Trước những kiến nghị, phản ánh của nông dân, huyện đã làm việc với Nhà máy đường Ayun Pa. Tuy nhiên, nhà máy chỉ hứa sẽ xem xét, chưa rõ có thể thu mua cho nông dân được hay không. Nhà máy đường cũng có văn bản trả lời là trong vụ thu hoạch này, nhà máy ưu tiên thu mua đối với những hộ dân có hợp đồng ký cam kết, sau đó mới tính toán đến diện tích mía của hộ dân trồng tự phát”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Bá Chủ, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai, cho biết công suất của nhà máy đạt 6.000 tấn mía/ngày, vùng nguyên liệu hiện có là 11.500 ha với 4.000nông dân ký hợp đồng với nhà máy. “Mía tơ chúng tôi đầu tư 50 triệu đồng/ha, mía gốc 20 triệu đồng/ha. Khu vực đông nam có 1.000 - 1.200 ha trồng không có hợp đồng với nhà máy. Những hộ nông dân ký hợp đồng với nhà máy chúng tôi thì ổn và chúng tôi cam kết thu mua hết. Sau đó, nếu có nhu cầu, chúng tôi sẽ mua thêm mía của những nông dân không ký hợp đồng. Bây giờ là cơ chế thị trường, chúng tôi đã có kế hoạch chuẩn bị cho sản lượng mía cho nhà máy và cơ sở là hợp đồng với nông dân”, ông Chủ nói.
Cũng theo ông Chủ, năng suất mía bình quân toàn vùng đạt 72 tấn/ha, tăng hơn khoảng 5 tấn/ha. Năng suất mía tăng, giá đường giảm, buộc nhà máy phải có những cân đối phù hợp trong việc thu mua, dẫn đến không thể mua mía của nông dân không có hợp đồng. “Nhưng tôi vẫn mở đường cho họ. Nếu năm nay xong rồi, năm tới bà con muốn ký hợp đồng thì chúng tôi vẫn ký, đảm bảo hợp tác làm ăn đàng hoàng”, ông Chủ khẳng định.
Trần Hiếu (Báo Thanh Niên)