An Giang thắng lợi toàn diện vụ lúa đông xuân

An Giang hiện đang bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa đông xuân, có thể khẳng định, vụ lúa này trúng mùa, trúng giá cao.

Tính đến nay, tỉnh An Giang đã thu hoạch vụ lúa đông xuân 2020-2021 hơn 13.400ha/230.000ha, đạt 5,83% đạt năng suất 7,14 tấn/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Tính đến nay, tỉnh An Giang đã thu hoạch vụ lúa đông xuân 2020-2021 hơn 13.400ha/230.000ha, đạt 5,83% đạt năng suất 7,14 tấn/ha. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: tính đến nay An Giang đã thu hoạch được trên 13.000ha/230.000ha, đạt 5,83% diện tích xuống giống, năng suất thu hoạch ước đạt 7,14 tấn/ha, tăng  0,4 tấn/ha so với thời điểm vụ đông xuân năm trước. Năng suất thu hoạch bình quân chung trên 7,3 tấn/ha, sản lượng cả vụ đạt gần 1,68 triệu tấn.

Nhờ thắng lợi vụ lúa đông xuân 2020-2021, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang luôn khuyến cáo nông dân đầu vụ chọn giống chất lượng cao để sản xuất, cũng là giống chủ lực của tỉnh như: Đài thơm 8, OM 5451, OM 18, OM 9582, OM 5451… còn lại là giống khác. Đối với giống lúa nhất lượng thấp IR50404 chiếm 15,7% diện tích của tỉnh.

Ở vụ lúa này điểm nổi bật là sự chuyển biến rõ nét về thay đổi tập quán canh tác lâu đời của nông dân, có sự nâng cao về nhận thức của nông dân như giảm lượng giống gieo sạ từ 180kg/ha nay giảm xuống còn 80-110kg/ha.

Bên cạnh đó, nông dân còn áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật trong quản lý dịch hại theo IPM, sử dụng thuốc BVTV theo 4 đúng. Nông dân còn đẩy mạnh áp dụng siết nước giữa vụ và cơ giới hóa đồng ruộng góp phần giúp giảm và ổn định giá thành sản xuất trong điều kiện giá bán lúa luôn biến động như hiện nay và từng bước hoàn thiện chuỗi sản xuất lúa gạo của tỉnh.

Về tình hình tiêu thụ lúa và lúa nếp cũng thuận lợi. Hiện giá lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng dao động từ 7.000 - 7.200 đồng/kg. Một số loại lúa chất lượng cao như OM cũng ổn định từ 7.000 - 7.400 đồng/kg, lúa Nhật đạt 7.800 - 8.000 đồng/kg, lúa Đài Thơm 8 từ 7.200 - 7.400 đồng/kg… tăng trên 1.000 - 1.700 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi.

Ông Lâm vui mừng cho biết thêm, vụ lúa đông xuân 2020 - 2021 thời tiết thuận lợi ngành nông nghiệp đã kiểm soát tốt được tình hình dịch hại trên lúa. Bên cạnh đó giá cả có chiều hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ nên bà con nông dân đã mạnh dạn đầu tư trong sản xuất nên góp phần gia tăng năng suất cũng như sản lượng.

Theo kế hoạch đăng ký từ các doanh nghiệp, ở vụ lúa năm nay có tổng diện tích liên kết tiêu thụ lúa, nếp ở An Giang là gần 47.000ha, chiếm 20%. Trong đó diện tích lúa, nếp liên kết tiêu thụ là trên 37.700ha, với sự tham gia liên kết của 15 công ty và doanh nghiệp và đã thu mua 900ha. Riêng diện tích nếp huyện Phú Tân liên kết tiêu thụ với diện tích 3.454ha, với sự tham gia của 4 công ty và 1 thương lái thu mua lúa, gạo.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: Rất mừng vụ lúa đông xuân 2020-2021 An Giang đang trong quá trình thu hoạch đạt năng suất cao, bán có giá giúp nông dân có lãi từ 4 - 5,5 triệu đồng/công. Để ngành nông nghiệp càng ngày đi càng vững và bền bỉ hơn, chúng ta phải có định hướng và giải pháp về sản xuất và tổ chức sản xuất. Thời gian qua  ngành nông nghiệp An Giang tổ chức sản xuất một cách chu đáo, hiệu quả, tạo ra những vùng sản xuất nông sản chất lượng cao cung cấp cho doanh nghiệp thu mua, chế biến và xuất khẩu.

Vụ lúa đông xuân năm nay, tổng diện tích liên kết tiêu thụ lúa, nếp ở An Giang là 46.775ha, chiếm 20%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Vụ lúa đông xuân năm nay, tổng diện tích liên kết tiêu thụ lúa, nếp ở An Giang là 46.775ha, chiếm 20%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Song song đó, cần đẩy mạnh phát triển sản xuất theo chiều sâu, tập trung vào sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng được chứng nhận, các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng vật nuôi và tăng cường liên kết sản xuất.

Tăng cường thu hút đầu tư, hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu, nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả, các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Liên kết cung ứng đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra trong sản xuất và cung cấp các dịch vụ khác.

Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với Sở Công thương, các huyện, thị, thành phố theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn tỉnh để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh để để chủ động tham mưu UBND tỉnh trong việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường tiêu thụ.

LÊ HOÀNG VŨ