Bọ hà

Giới thiệu chung

Bọ hà (Cylas sp.) thuộc họ vòi voi (Curculionidae), bộ cánh cứng (Coleoptera), có thể được coi là một trong vài loại dịch hại nguy hiểm trên cây khoai lang ở nước ta hiện nay.

Giống Cylas có ba loài: C. formicarius, C. puncticollis và C. brunneus, nhưng ở Việt Nam loài C. formicarius Fabricus. là chủ yếu. Sau đây chúng tôi giới thiệu về loài này (hai loài còn lại chủ yếu gây hại ở châu Phi)

Theo điều tra của các nhà khoa học thì C. formicarius Fabricus phân bố khá rộng, chúng đã được phát hiện tại Châu Á, châu Đại Dương và một số nước vùng Caribê, châu Mỹ. Ở nước ta, đây là loài sâu hại quan trọng nhất ở tất cả các vùng trồng khoai lang, đặc biệt là những vùng thường bị khô hạn như các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ hoặc những vụ khoai lang nằm trong mùa khô hạn ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài khoai lang, loài sâu này còn phá hại trên một số loại cây thuộc họ bìm bìm (Convolvulaceae).

1.1. Triệu chứng và mức độ gây hại 

Con trưởng thành và con ấu trùng (sâu non) đều gây hại cho cây khoai lang, nhưng gây hại nhiều và có ý nghĩa kinh tế nhất chủ yếu là ấu trùng.  

Khi cây khoai chưa có củ thì bọ sống trong thân cây (dây khoai), với mật số không cao. Khi củ bắt đầu hình thành chúng sinh sản rất nhanh và chuyển sang phá hại củ, nhất là những củ có một phần lộ lên khỏi mặt đất hoặc nằm sát mặt đất. 

Trưởng thành ăn gặm phần thân, mầm hoặc lá, nhưng thích nhất vẫn là củ, tạo nên lỗ thủng hình tròn nhỏ trên bề mặt củ. Những củ bị lồi lên khỏi mặt đất hay bị lộ ra ở các khe kẽ nứt của đất rất dễ bị chúng tấn công. Những vết đục để đẻ trứng của con trưởng thành sẽ là nơi xâm nhập của nấm và vi khuẩn gây bệnh cho cây khoai, làm dây khoai bị suy yếu.

Ấu trùng chủ yếu đục vào bên trong củ. Nếu tấn công khi củ còn non sẽ cản trở sự phình to của củ, làm củ bị lép, không phát triển được, gây thất thu năng suất rất lớn. Nếu tấn công khi củ đã lớn, năng suất không giảm nhiều nhưng lại gây thất thu nghiêm trọng vì toàn bộ củ khoai phải bị hủy bỏ không sử dụng được, do để chống lại sự gây hại của bọ hà, củ khoai đã sản sinh ra chất terpenes, chất này làm ruột củ có mầu tím, xanh vàng, xanh đen, mùi cay nồng, vị đắng không thể ăn hoặc làm thức ăn cho vật nuôi. Không những thế chất bài tiết trong đường đục của bọ, đã tạo điều kiện thức ăn cho một loại nấm gây bệnh thối đen củ khoai. 

Sự phá hại của bọ hà không những xảy ra trên đồng ruộng mà còn tiếp tục diễn ra trong suốt quá trình cất giữ bảo quản củ. Do đặc điểm này, thiệt hại do bọ hà gây nên thường rất lớn (ở Trung Quốc, thiệt hại hàng năm do bọ hà gây ra cho cây khoai lang lên tới 20%, trong điều kiện khí hậu ở nước ta, nếu thu hoạch muộn tỷ lệ củ bị hại có khi lên tới 100%) 

1.2. Đặc điểm nhận dạng

Con trưởng thành là một loại bọ cánh cứng nhỏ, dài khoảng 4,8-7,9mm, mình thon, chân dài, đầu, ngực thon hẹp hơn phần bụng, nhìn thoáng qua khá giống con kiến, Đầu màu xanh đen kéo dài như vòi, mắt kép hình bán cầu hơi lồi ra hai bên đầu. Trừ phần bụng và đôi cánh có màu xanh tím bóng, còn lại ngực và 3 đôi chân bọ đều có màu nâu đỏ. Râu đầu có 10 đốt,  khá  phát  triển, riêng đốt thứ 10 lớn hơn, ở con đực đốt râu này có hình ống dài, còn con cái có hình trứng. Con trưởng thành có khả năng bay khá. 

Trứng có hình bầu dục, dài khoảng 0,5-0,7mm. Lúc mới đẻ có màu trắng sữa, khi sắp nở có màu vàng. Trên bề mặt có nhiều chấm lõm nhỏ.

Ấu trùng có hình ống dài, hai đầu thon nhỏ, đầu màu nâu nhạt, thân màu trắng sữa, đẫy sức dài 5,0-8,5mm. 

Nhộng  trần,  dài khoảng 4,7-5,8mm, cơ thể có màu trắng ngà sau chuyển sang màu vàng. Vòi cúi gập về phía mặt bụng, ở mút bụng có một đôi gai lồi, hơi cong, nhìn rõ mầm cánh, đầu và chân. 

Trưởng thành của bọ hà Củ khoai lang bị bọ hà gây hại

1.3. Đặc điểm sinh vật

Con trưởng thành sau khi vũ hoá khoảng 6-8 ngày thì bắt đầu giao phối, sau khi giao phối khoảng 2-3 ngày thì con cái đẻ trứng. Mỗi con cái có thể đẻ khoảng 30-200 quả (trung bình 80 quả), thời gian sống của trưởng thành tương đối dài (dài nhất có thể lên tới 115-133 ngày, ngắn nhất khoảng 16-35 ngày), 

Bọ hà có khả năng nhịn đói rất lâu, trong những ngày mưa, bọ hà thường ngừng hoạt động. Bọ di chuyển chủ yếu bằng hình thức bò, nhiệt độ càng cao, chúng bò càng nhanh, nếu thời tiết nóng bức quá bọ cũng có thể bay từng quãng ngắn. Ban đêm bọ hà có xu tính yếu đối với ánh sáng, ban ngày chúng thường lẩn trốn dưới tán cây khoai hoặc trong các kẽ nứt của đất để tránh nắng. Con trưởng thành có tính giả chết khi bị động tới. 

Trứng được đẻ trên củ là chủ yếu, một ít có thể đẻ vào đoạn thân sát gốc. Khi đẻ trứng, bọ hà dùng miệng đục một lỗ nhỏ trên mặt củ rồi đẻ trứng vào đó (thường một lỗ chỉ đẻ một trứng), đẻ xong dùng keo lấp kín mặt củ. Trong điều kiện phòng thí nghiệm thời kỳ đẻ trứng của bọ hà có thể kéo dài từ 15-115 ngày, 

Sau khi đẻ vài ngày, trứng nở ra ấu trùng. Nếu được đẻ trên thân (dây khoai) thì ấu trùng đục vào trong thân phá hại, làm chỗ đó bị dị dạng, phình to và nứt. Nếu trứng được đẻ trên củ thì ấu trùng đục vào phần thịt củ thành những đường hầm để phá hại, đục ăn đến đâu, bài tiết phân đến đấy. Nếu sống trong thân khoai, đường đục của bọ thường hướng về phía gốc. Những thân khoai bị nhiều ấu trùng đục phá, thường nổi hằn trên bề mặt vỏ. Trong một củ khoai có khi chỉ có 1 vài ấu trùng, nhưng cũng có củ lên tới 170 con. Thời kỳ khoai cất giữ trong kho là điều kiện hết sức thuận lợi cho loài bọ này sinh sôi nảy nở, số lượng cá thể của chúng tăng rất nhanh và mạnh, có thể làm cho củ khoai phải huỷ bỏ hoàn toàn. Ấu trùng có 5 tuổi, thời gian phát dục khoảng 15-35 ngày (nếu sống trong thân có thể kéo dài đến 37-50 ngày). 

Đẫy sức, ấu trùng hoá nhộng ngay trong củ hoặc thân khoai, thời gian phát dục của nhộng trung bình khoảng 7-17 ngày.

Nhộng hoá trưởng thành rải tác trong ngày. Lúc mới hoá trưởng thành, cơ thể vẫn có màu trắng sữa và rất mềm yếu, chúng nằm yên trong đường đục. Sau 3-5 ngày, cơ thể cứng dần và có màu sắc đặc trưng, lúc này bọ hà chui ra khỏi củ để hoạt động. Khả năng hoạt động của bọ hà có liên quan chặt chẽ với tình hình thời tiết. Nếu nhiệt độ thấp khoảng 10-15oC, bọ hà vẫn nằm yên trong đường đục, nhiệt độ cao (trên dưới 30oC), bọ hà hoạt động mạnh nhất. 

1.4. Đặc điểm phát sinh phát triển

Những kết quả nghiên cứu của các nhà chuyên môn ở nước ta và một số nước Đông Nam Á khác cho thấy tình hình phát sinh phát triển của bọ hà quan hệ rất chặt chẽ với điều kiện khí hậu, thời tiết, đất đai và chế độ canh tác. 

Thời tiêt khô và nóng là điều kiện thích hợp cho chúng phát sinh phát, triển mạnh (ở miền Bắc, khoai lang chiêm làm củ vào thời kỳ nhiệt độ cao của mùa hè nên thường bị bọ hà phá hại nặng hơn khoai lang mùa (do giai đoạn làm củ, nắng nóng đã bớt dần, thời tiết đã trở nên mát mẻ). 

Bọ hà là loài sâu hại dưới đất, nên điều kiện khô hạn rất thuận lợi cho  hoạt động của chúng, vì khô hạn sẽ làm đất nứt nẻ, trưởng thành có thể tìm đến các củ khoai để đẻ trứng một cách dễ dàng. Cũng chính do hiện tượng này nên các ruộng khoai ở chân đất cát pha hoặc thịt nhẹ, có bón nhiều phân hữu cơ, được chăm sóc giữ ẩm tốt, đất không bị nứt nẻ, thường ít bị bọ hà phá hại hơn so với chân đất thịt nặng, nghèo mùn, và chua (đất dễ bị nứt nẻ khi khô hạn).

Thực tế đồng ruộng cho thấy, sau khi thu hoạch củ, bọ hà vẫn còn tồn tại và tiếp tục sinh sống trên tàn dư của cây khoai (củ, thân) và trở thành nguồn lây lan cho vụ sau. Vì thế, những ruộng trồng khoai lang liên tục trong nhiều năm, thường bị bọ hà hại rất nặng, còn ruộng mới trồng khoai vụ đầu thường ít bị loài bọ này phá hại.

Biện pháp canh tác

- Trước khi làm đất, cần thu nhặt hết tàn dư của cây khoai lang (thân, củ) ở vụ trước đưa đi tiêu hủy (đào hố sâu, chôn và lấp kỹ đất bên trên), để hạn chế nguồn bọ lây lan cho vụ sau. 

- Nếu điều kiện cho phép nên cho nươc vào ngâm ruộng vài ngày để tiêu diệt hết ấu trùng và nhộng còn tồn tại trong tàn dư cây khoai (nhất là trong củ còn sót lại trong đất)chưa thu gom hết.

- Tuyệt đối không dùng hom đang có bọ hà gây hại bên trong để làm giống cho vụ sau. 

 -Ruộng trồng khoai lang cần tưới nước giữ ẩm và vun luống đúng lúc, tránh để cho ruộng bị khô hạn, nứt nẻ.

- Nếu ruộng thường bị bọ hà gây hại nặng hàng năm, nếu điều kiện cho phép nên điều khiển thời vụ sao cho thời kỳ có củ tránh rơi vào thời kỳ khô hạn.

- Từ khi hình thành củ, phải vun cao và kín gốc, không để củ ló lên khỏi mặt đất, thường xuyên tưới đủ ẩm cho luống khoai, để đất không bị nứt nẻ, bít đường chui xuống củ để đẻ trứng của con trưởng thành.

- Nếu điều kiện cho phép thì cứ sau vài vụ trồng khoai lang nên luân canh một vài vụ với cây rau màu khác, tốt nhất là với cây trồng nước, như lúa, rau muống… 

- Cần dọn sạch những cây ký chủ phụ (thuộc họ bìm bìm) của bọ hà xung qunh những ruộng trồng khoai lang.

- Vào thời kỳ bọ hà trưởng thành bắt đầu xuất hiện, dùng các lát khoai tươi đặt rải rác trong ruộng và xung quanh bờ, trên có phủ cỏ khô để dẫn dụ chúng đến ăn rồi bắt giết (gạt vào thùng chứa nước thuốc). Cũng có thể dùng bả độc bằng cách ngâm các lát khoai tươi vào dung dịch thuốc Dipterex nồng độ 0,2% trong khoảng 12-24 giờ, sau đó vớt ra hong khô rồi đem đặt trên ruộng để thu hút bọ trưởng thành đến ăn và trúng độc.

- Sử dụng chất dẫn dụ sinh học thu hút trưởng thành đực để diệt, làm cho con cái không được thụ tinh, trứng không nở được.

-Trước khi đưa củ khoai vào cất trữ, bảo quản cần loại bỏ những củ đã bị nhiễm bọ, để tránh lây lan sang củ khác. Trong thời gian cất trữ thỉnh thoảng đảo lại khoai, kết hợp loại bỏ những củ mới bị nhiễm bọ.

Biện pháp lợi dụng thiên địch

(Đang cập nhật)

Biện pháp thuốc BVTV

(Liên hệ với chúng tôi)

NGUYỄN DANH VÀN